Vừa thôi việc, chị Trang Thư (32 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP HCM) nhanh chóng ứng tuyển vị trí trưởng phòng kinh doanh tại một công ty may gần nhà. Gần một ngày chầu chực chờ phỏng vấn, chị chán nản: “Hơn 10 năm đi làm, tôi chưa gặp buổi phỏng vấn nào lạ lùng như ở công ty này”.
Lạnh lùng
Chị Thư kể hội đồng tuyển dụng có 3 người gồm giám đốc, phó giám đốc và phụ trách nhân sự. Tuy nhiên, đa phần các câu hỏi và tình huống phỏng vấn đều do giám đốc đưa ra. Hai thành viên còn lại chỉ ghi chép và nhìn ứng viên, gật đầu tán thành với giám đốc. “Đã trải qua nhiều lần phỏng vấn tuyển dụng, tôi chưa thấy hội đồng phỏng vấn nào lại… đằng đằng sát khí như 3 vị này. Cô phụ trách nhân sự cúi mặt ghi chép, phó giám đốc thì nhìn ứng viên chằm chằm như dọa nạt, giám đốc thì đưa ra những câu hỏi kèm theo thái độ uy hiếp. Có trúng tuyển tôi cũng không dám nhận lời làm việc với ê-kíp này” - chị Thư bất mãn.
Câu hỏi đầu tiên mà vị giám đốc đưa ra cho chị Thư là: “Trong tháng đầu tiên làm việc, phòng kinh doanh phải tăng doanh thu trên 10%, bạn làm được không?”. Chị Thư chưa kịp phản ứng, giám đốc đã đánh giá chị không có năng lực. Tuy những câu hỏi giám đốc đưa ra đều nằm trong khả năng đối đáp, năng lực chuyên môn nhưng chị lúng túng đến không trả lời được trước thái độ “hỏi mà không cho người đối diện trả lời”. Không chỉ vậy, sau mỗi câu hỏi, giám đốc công ty đều nói thêm: “Không đáp ứng được yêu cầu thì công ty sẽ giải quyết ngay chế độ nghỉ việc”.
Gặp anh Nguyễn Phan Thành An (ngụ quận 4, TP HCM) ở Sàn Giao dịch Việc làm tổ chức tại quận 7, TP HCM sáng 29-10, anh cho biết đây là ngày anh tham gia phỏng vấn tại một công ty du lịch nhưng anh quyết định bỏ ngang để đến sàn giao dịch tìm việc mới. Khi vào phòng nhân sự của công ty trên nộp hồ sơ, nhân viên nhận hồ sơ tiếp anh với thái độ cáu gắt, lạnh lùng. Anh An thất vọng: “Tôi lịch sự đưa hồ sơ, nữ nhân viên phòng nhân sự liền giật lấy, bì hồ sơ bị rách. Cô này lớn tiếng đổ thừa tôi đưa không đàng hoàng sau đó vứt hồ sơ của tôi sang một bên. Sự thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng người lao động còn thể hiện qua việc nhiều hồ sơ ứng tuyển để bừa bộn trên bàn. Tôi bỏ ngay ý định đầu quân cho công ty này”.
Phỏng vấn như hỏi cung
Vừa tốt nghiệp Trường ĐH Mở TP HCM, Ng.Th.Tr đến sàn giao dịch tìm việc. Khi ứng tuyển vào công ty nhập khẩu thiết bị y tế, Tr. bàng hoàng trước cách làm khó ứng viên của bộ phận nhân sự. Thông tin cá nhân của ứng viên được công ty quan tâm hơn kiến thức, kỹ năng. Sau một vài câu hỏi về điểm số, chuyên ngành, kỹ năng mềm, hơn 50% thời gian đối đáp của Tr. dành cả vào việc trả lời thắc mắc liên quan đến tình cảm cá nhân, tiểu sử gia đình, cách ứng xử trên mạng xã hội… “Hỏi chuyện cá nhân là việc bình thường khi tuyển dụng nhưng công ty này để tâm quá nhiều đến những chi tiết nhỏ nhặt. Tôi rất khó chịu và có cảm giác là mình phạm tội nên bị hỏi cung” - Tr. chia sẻ.
Tương tự, Đoàn Quốc Huy (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) cũng chới với khi không kịp ứng phó những câu hỏi riêng tư dồn dập trong lần xin việc đầu tiên. Huy liệt kê: “Sau 5 phút chào hỏi, giới thiệu, hội đồng tuyển dụng xoay tôi như chong chóng với những câu hỏi, như: số lượng bạn bè trên Facebook, quan điểm về tình yêu, kỷ niệm khi học ĐH, thành viên gia đình... Nhiều nội dung phỏng vấn thừa thãi, không liên quan đến vị trí ứng tuyển”. Chán nản, Huy bỏ ngang buổi phỏng vấn.
Không khéo léo sẽ gây phản ứng ngược
Ông Trần Anh Tuấn, quyền Giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, nhận định: “Một số nhà tuyển dụng muốn thử năng lực, cách xử lý tình huống và đánh giá tính cách của ứng viên nên tỏ thái độ khác thường và đưa ra nhiều tình huống bất ngờ. Tuy nhiên, nếu nhà tuyển dụng không khéo léo sẽ khiến ứng viên phản ứng ngược. Như vậy, không chỉ người lao động thiệt thòi mà doanh nghiệp cũng bất lợi khi mất người tài. Trước khi quyết định phong cách tuyển dụng, doanh nghiệp cần xem xét và đánh giá kỹ ứng viên qua hồ sơ xin việc, điện thoại trao đổi thông tin...”.
Bình luận (0)