Sau khi chen lấn nộp hồ sơ tại ngày hội việc làm Trường ĐH Mở TP HCM, anh Nguyễn Văn Ngọc (25 tuổi, vừa tốt nghiệp Khoa Kế toán - Kiểm toán của trường) không giấu được vẻ lo lắng. “Tôi đã tham dự phỏng vấn ở nhiều công ty, dù cố gắng chuẩn bị chu đáo trước mỗi lần ứng tuyển nhưng vẫn thất bại” - anh cho biết.
Nộp nhiều hồ sơ, thích lương cao
Ngọc cho hay nỗi lo thất nghiệp đè nặng, anh và bạn bè thường cố viết nhiều bộ hồ sơ để gửi đi khắp nơi. Có khi trong một ngày, Ngọc trực tiếp đến doanh nghiệp (DN) và gửi qua email 10-20 hồ sơ xin việc.
Nhờ bảng điểm đạt tiêu chuẩn, hồ sơ rõ ràng, mạch lạc, Ngọc được nhiều công ty mời phỏng vấn. Tuy nhiên, chưa lần nào anh vượt qua vòng phỏng vấn đầu tiên. Ngọc thừa nhận: “Do ứng tuyển nhiều nơi nên tôi không có thời gian tìm hiểu từng DN. Do đó, khi nhà tuyển dụng (NTD) hỏi đến góc nhìn, đánh giá về DN, tôi không trình bày được”.
Ra trường 2 năm vẫn chưa có việc làm ổn định, Nguyễn Thị Lâm (27 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) giải thích do không hài lòng với thu nhập nên chị thường nhảy việc. Bạn bè của chị Lâm cũng xem chuyện tìm kiếm công việc ở công ty có mức lương và phúc lợi tốt là mục tiêu hướng tới. Họ kỳ vọng được trả lương cao ở các công ty danh tiếng, bất chấp mình chưa có kinh nghiệm, thiếu kỹ năng.
Tìm “những cây gỗ có ruột chắc nhất”
Tại hội thảo “Kỹ năng lập hồ sơ, phỏng vấn và ứng tuyển thành công” do Trường ĐH Mở TP HCM tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tấn Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Sài Gòn, cho biết hầu hết ứng viên trẻ đều coi lương là điều kiện đầu tiên để ứng tuyển vào DN. Thực tế, ở DN đa quốc gia, công việc cố định, lương khởi điểm cao nhưng khó tăng. Các bạn trẻ ít có khả năng cạnh tranh để thăng tiến.
“Đầu quân cho công ty có quy mô vừa nhưng tốc độ phát triển kinh doanh ổn định, sinh viên (SV) có thể va chạm với nhiều bộ phận, lĩnh vực để chứng tỏ năng lực. Sau 5 năm, với kinh nghiệm thu được, dù ở lại hay nhảy việc thì lương của người lao động vẫn cao và ổn định” - ông Huy khẳng định.
Bên cạnh đó, ứng viên phải tìm hiểu rõ mọi mặt của DN, xem mức độ phù hợp của bản thân trước khi quyết định ứng tuyển. Ngoài việc thể hiện sự hiểu biết về DN, ứng viên cần chứng tỏ lòng nhiệt tình, tận tâm, tạo thiện cảm tốt cho NTD.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam, NTD có trách nhiệm lựa chọn “những cây gỗ có ruột chắc nhất” cho DN. Phỏng vấn là khâu thẩm tra, xác minh, đào sâu kiến thức, kỹ năng của ứng viên. Do đó, việc thăm dò yêu cầu của NTD trước khi phỏng vấn là cách “học tủ” lệch lạc của nhiều SV. Các bạn trẻ nên chuẩn bị lâu dài cho quá trình xin việc, không nên đợi đến khi sắp ra trường mới chạy đua với thời gian.
“SV hay có thói quen nộp hồ sơ dàn trải. Như vậy, các bạn dễ có nhiều vị trí ứng tuyển nhưng khó có cơ hội thành công. Cùng một vị trí nhưng mỗi công ty lại có đặc thù công việc khác nhau. Ví dụ: Với vị trí marketing, yêu cầu của công ty mới thành lập 1 năm hoàn toàn khác công ty đã hoạt động trên 20 năm. Ứng viên cần đầu tư tìm hiểu sâu vài DN để nâng cao cơ hội chiến thắng trong tuyển dụng” - ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bình luận (0)