Tại hội nghị tập huấn về lao động cưỡng bức và mua bán người tổ chức mới đây ở Hà Nội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến nghị Việt Nam cần nghiên cứu, xác định các hành vi liên quan đến cưỡng bức lao động (CBLĐ) để bổ sung tội danh này vào dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi).
Chủ yếu xử phạt hành chính
Theo bà Marja Paavilainen, cố vấn trưởng dự án về lao động cưỡng bức và mua bán người của ILO, hiện có 20,9 triệu người trên thế giới bị CBLĐ. Nhiều quốc gia như Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Anh, Brazil, Mỹ… đã hình sự hóa hành vi CBLĐ, xác định đây là tội phạm nguy hiểm phải truy cứu hình sự. Trong khi đó, việc xử lý hình sự đối với hành vi CBLĐ ở Việt Nam chưa thật đầy đủ, chủ yếu xử phạt vi phạm hành chính hoặc cắt khúc xử lý hình sự bằng các tội danh khác, như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giam giữ người trái pháp luật, mua bán phụ nữ, mua bán trẻ em…
Để minh chứng về sự khác nhau giữa Việt Nam và một số quốc gia, bà Marja Paavilainen cho biết mới đây ở Trung Quốc, tòa án tuyên phạt 2 năm tù đối với người môi giới, 4 năm tù đối với chủ sử dụng vì tội CBLĐ 12 công nhân. Những người này bị kẻ môi giới lừa gạt, đưa vào thành phố làm việc cho một nhà máy hóa chất và bị ông chủ bóc lột sức lao động, buộc làm việc suốt ngày đêm, không trả lương, cấm ra ngoài và đánh đập thường xuyên.
Tại Việt Nam, bà Paavilainen nêu vụ một thiếu niên tên Vinh, 15 tuổi, được người môi giới đưa từ tỉnh lên TP HCM làm việc cho một cơ sở may. Vinh và nhiều trẻ khác bị ngược đãi, ép làm việc từ 7 giờ đến nửa đêm, không được trả lương trong suốt 2 năm làm việc, bị cấm ra khỏi cơ sở và thường xuyên bị đe dọa, đánh đập. Vì xác định không đủ yếu tố truy cứu hình sự, cơ quan công an chuyển hồ sơ cho cơ quan quản lý lao động để xử phạt hành chính về hành vi sử dụng lao động trẻ em.
Trên thực tế, thời gian qua xảy ra khá nhiều vụ lao động các tỉnh bị các trung tâm giới thiệu việc làm dụ dỗ, bị ép làm việc quá sức, đe dọa đánh đập, trả lương thấp. Thế nhưng, đa phần các vụ việc này chỉ bị xử lý hành chính.
Cần phải hình sự hóa
Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ phó Vụ Pháp chế thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), thừa nhận hiện vẫn chưa có thống kê nào về lao động cưỡng bức ở Việt Nam. Thậm chí, nếu có thống kê thì cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì tội CBLĐ chưa được luật hóa trong Bộ Luật Hình sự, trong khi pháp luật lao động chưa định nghĩa đầy đủ.
Trước đó, trên cơ sở Công ước về lao động cưỡng bức năm 1930 (Công ước 29-ILO, được Việt Nam phê chuẩn năm 2007), ILO đã xây dựng 11 chỉ số CBLĐ để các quốc gia tham khảo. Đó là: lạm dụng tình trạng khó khăn của người lao động; lừa gạt; hạn chế đi lại; bị cô lập; bạo lực thân thể và tình dục; dọa nạt, đe dọa; giữ giấy tờ tùy thân; giữ tiền lương; lệ thuộc vì nợ; điều kiện sống và làm việc bị lạm dụng; làm thêm giờ quá quy định.
Theo ông Bình, tham chiếu các văn bản này, Việt Nam đã xây dựng và đưa vào Bộ Luật Lao động năm 2012 khái niệm lao động cưỡng bức. Dù vậy, nội hàm của khái niệm còn hẹp, chưa bao quát hết các dấu hiệu cấu thành hành vi CBLĐ, dẫn đến vướng mắc trong xử lý vi phạm.
Để tháo gỡ vướng mắc, tại hội thảo góp ý về quy định các tội danh cho dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) tổ chức mới đây, đại diện các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đồng thuận với đề xuất bổ sung các tội danh liên quan đến lao động cưỡng bức. Dự kiến tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến về tội danh bổ sung này.
Bình luận (0)