Trình bày về trường hợp của mình mới đây, ông Lê Thành Nam cho biết đã làm việc cho Công ty Dịch vụ Bảo vệ Thăng Long - Hà Nội Chi nhánh TP HCM từ tháng 12-2017. Từ tháng 2-2018 trở đi, ông không được công ty trả lương như thỏa thuận dù ông và cả nhóm bảo vệ vẫn bám trực tại chốt được phân công.
Không trả lương còn dọa bồi thường
Theo ông Nam, trong 2 tháng qua, ông và các đồng nghiệp trong nhóm phải xoay xở vay mượn để chi tiêu. Nhiều lần ông và các nhân viên khác yêu cầu được trả lương nhưng chỉ nhận những lời hứa. "Tôi còn dễ thở một chút vì kinh tế không quá khó khăn nhưng các bảo vệ trẻ từ quê lên TP ở trọ mấy tháng qua để làm việc thì vô cùng khốn đốn. Không có tiền thuê nhà, họ phải ở ké người quen, hết tiền trang trải cuộc sống phải vay đồng nghiệp chờ đến lúc lĩnh lương. Cứ sống dặt dẹo vậy mãi mà không thấy lương đâu, có người nản quá bỏ về quê" - ông Nam nói.
Trong biên bản hòa giải, công ty hẹn ngày 20-5 giải quyết lương cho người lao động
Tuy nhiên, theo ông Nam, điều đáng nói là công ty không trả lương nhưng vẫn không cho ông và đồng nghiệp nghỉ việc. Theo giám đốc công ty, nếu bỏ việc khỏi chốt trực sẽ phải "bồi thường hợp đồng". Vì không rõ luật, lại tiếc công sức mấy tháng bỏ ra nên ông Nam cùng nhóm bảo vệ vẫn tiếp tục làm việc đến nửa đầu tháng 4-2018. "Công ty khách hàng nơi tôi bảo vệ khẳng định vẫn chi trả đều đặn chi phí dịch vụ cho Chi nhánh Công ty Dịch vụ Bảo vệ Thăng Long - Hà Nội nhưng công ty lại không trả lương cho chúng tôi" - ông Nam bức xúc.
Sau khiếu nại của ông Nam và các đồng nghiệp gửi cơ quan chức năng, ngày 13-4, tiếp tục có thêm một nhóm hơn 10 nhân viên bảo vệ khác của công ty từ các vị trí trực chốt lại kéo về trụ sở chi nhánh đòi lương, trong đó nhiều người trực bảo vệ ở tỉnh xa cũng bức xúc vì bị nợ lương từ tháng 2-2018 đến nay. Ông Nguyễn Đức Sĩ, nguyên là bảo vệ của công ty, cho biết sau Tết không có lương, ông nản nên xin nghỉ việc từ ngày 21-3 và đề nghị được thanh toán lương. Thế những, ông lại được nhận 1 phiếu hẹn đến ngày 6-5 quay lại giải quyết. Ông Sĩ thắc mắc: "Hợp đồng lao động thì không thấy đâu nhưng xin nghỉ việc phải đợi 45 ngày mới giải quyết. Đã vậy, ngày hẹn lại là chiều chủ nhật thì biết công ty giải quyết thế nào?".
Không phải lần đầu nợ lương
Trao đổi về các khiếu nại của người lao động (NLĐ), giám đốc chi nhánh công ty, ông Nguyễn Quang Điệp, cho rằng việc nợ lương của nhóm bảo vệ Lê Thành Nam là do các bảo vệ ở đây không bảo đảm sĩ số và vi phạm một số quy định nghiệp vụ, thái độ không tốt với khách hàng nên bị khách hàng phản ứng. Do đó, công ty chưa trả lương cho ông Nam và nhóm bảo vệ này. Biết được thông tin trên, ông Lê Thành Nam và các nhân viên bảo vệ đã phản ứng. Họ khẳng định không hề vi phạm bất cứ quy định nào khi làm nhiệm vụ. Việc thiếu sĩ số là do công ty không bố trí đủ nhân sự chứ không phải mọi người tự ý bỏ việc. Ông Nam cho biết thêm: "Giám đốc chi nhánh nói không đúng. Khi biết chúng tôi không được nhận lương, khó khăn, thiếu thốn, khách hàng còn hỗ trợ một khoản tiền nhỏ cho mấy anh em khi chúng tôi thông báo ngừng việc. Không thể nói chúng tôi có thái độ không đúng mực với khách hàng".
Đã không được nhận lương mà còn bị nhắn tin dọa bồi thường nếu nghỉ việc
Đây không phải lần đầu Công ty Dịch vụ Bảo vệ Thăng Long - Hà Nội Chi nhánh TP HCM bị khiếu nại nợ lương. Năm 2017, nhiều lao động là bảo vệ cũng bị nợ lương, nợ BHXH và gửi đơn khiếu nại khắp nơi. Có người đã kiện ra tòa và đang chờ xét xử. Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 10, TP HCM, cho biết vừa nhận 2 lượt đơn khiếu nại của 17 NLĐ của công ty và đã nhiều lần liên hệ với công ty để giải quyết.
Theo biên bản hòa giải vào ngày 27-4, giám đốc Chi nhánh Công ty Dịch vụ Bảo vệ Thăng Long - Hà Nội đưa lý do chậm trễ lương là do công ty khó khăn về tài chính và nhân sự không ổn định. Công ty cam kết chi trả dứt điểm lương cho các lao động gửi đơn khiếu nại vào ngày 20-5 tới.
Không được phép giam lương, chậm lương
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho biết theo quy định, người sử dụng lao động phải trả lương đúng hạn cho NLĐ. Việc vi phạm kỷ luật lao động (nếu có) chỉ là cơ sở để xử lý kỷ luật chứ không được vin vào đó để giữ lương hoặc chậm trả lương cho NLĐ. Nếu công ty trả lương không đúng như thỏa thuận, NLĐ có thể gửi đơn khiếu nại cho cơ quan quản lý lao động hoặc kiện ra tòa đòi quyền lợi.
Bình luận (0)