Suốt hơn một tháng qua, cuộc sống của mẹ con chị La Thị Ngọc Loan - đoàn viên Nghiệp đoàn (NĐ) Nữ giúp việc nhà quận 6, TP HCM - trải qua vô vàn khó khăn. Không có việc làm, nơi ở bị phong tỏa trong khi bệnh tật hành hạ, chị chỉ có thể vượt qua khó khăn nhờ vào tấm lòng của hàng xóm láng giềng, của các đoàn viên trong NĐ, đặc biệt là sự hỗ trợ từ LĐLĐ quận 6.
Thắp lên hy vọng
Chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống của gia đình mình, chị Loan cho biết những năm gần đây, gia đình chị liên tiếp gặp chuyện không may khi cả hai vợ chồng đều phát hiện bệnh, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống. Chồng chị bị tràn dịch màng phổi, trải qua 2 lần phẫu thuật nên không thể làm được việc nặng nhọc; còn chị mắc nhiều thứ bệnh như tim, bướu cổ, cườm mắt khiến sức khỏe yếu đi trong khi thị lực giảm sút.
Dù bệnh tật nhưng vợ chồng chị vẫn cố gắng làm lụng kiếm sống. Chị đi giúp việc nhà, còn chồng thì phụ hồ những lúc khỏe để lo cho cô con gái duy nhất được ăn học đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, từ lúc dịch bệnh bùng phát lần thứ 4, nhất là khi nơi ở của gia đình bị phong tỏa thì cuộc sống của gia đình rơi vào bế tắc. Chồng thất nghiệp, bản thân bị chủ nhà từ chối vì từng sống trong khu vực có F0 nên hơn một tháng qua, chị cũng không có việc làm. Chính lúc này, LĐLĐ quận 6 đã thắp lên hy vọng cho gia đình chị. "Nghe tin nơi ở của tôi bị phong tỏa, các anh chị trong NĐ và LĐLĐ quận 6 đã đến thăm hỏi và tiếp tế nhu yếu phẩm. Nhờ nguồn thực phẩm và khoản tiền 1,6 triệu đồng mà các anh chị em trong NĐ và LĐLĐ quận hỗ trợ, gia đình tôi mới có thể cầm cự. Tôi thật sự biết ơn và mong dịch bệnh chóng qua để có thể tìm việc trở lại" - chị Loan bày tỏ.
Gia đình chị Tô Thị Bích Ngọc - đoàn viên NĐ Xe công nghệ quận 8, TP HCM - cũng hết sức xúc động khi nhận được sự trợ giúp chí tình từ LĐLĐ quận 8 và Chi nhánh CEP quận 8. Chị Ngọc cho biết vợ chồng chị đều chạy xe để kiếm sống. Chồng chị không biết chữ nên chỉ có thể chạy xe ôm truyền thống, còn chị nhờ biết đọc biết viết nên đã đăng ký chạy xe công nghệ và được giới thiệu tham gia vào NĐ từ năm 2020. Những đợt dịch trước, dù thu nhập có giảm nhưng hai vợ chồng vẫn cố gắng làm việc nên cuộc sống vẫn tạm ổn. Chỉ đến khi đợt dịch lần thứ 4 này, chồng chị thường xuyên rước khách tại các bến xe nên thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hầu như không kiếm ra tiền. Một mình chị vừa chạy xe chở khách vừa nhận giao hàng. Vất vả trăm bề nhưng gia đình cũng chỉ đủ ăn. Hai chiếc xe máy sau một thời gian dài sử dụng đã hỏng hóc khá nhiều nhưng vợ chồng chị cũng không dám sửa vì lo dịch còn kéo dài, phải chắt chiu từng đồng. Trớ trêu thay, lúc chị khó khăn nhất thì xe lại hỏng nặng không thể chạy được. "Mất cần câu cơm nên tôi mới chia sẻ với anh em trong NĐ. Nhờ vậy mà tôi được LĐLĐ quận 8 giới thiệu để vay vốn từ Quỹ CEP 10 triệu đồng để sửa chữa phương tiện. Mấy ngày trước, khu vực tôi ở bất ngờ bị phong tỏa do có ca F0, cả gia đình lại thất nghiệp. May mà trước đó LĐLĐ quận 8 đã tặng cho tôi phiếu mua hàng để mua sắm tại siêu thị 0 đồng, nhờ vậy mà tôi trữ được một ít thực phẩm dự phòng chứ không thì không biết phải xoay xở thế nào" - chị Ngọc bộc bạch.
Cán bộ LĐLĐ TP Thủ Đức, TP HCM làm thủ tục hỗ trợ đoàn viên các nghiệp đoàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Tiếp sức kịp thời
Hơn một tháng qua, LĐLĐ TP Thủ Đức, TP HCM đã liên tục triển khai nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có nhiều đoàn viên NĐ.
Là một trong 615 đoàn viên được hỗ trợ từ tổ chức Công đoàn, ông Đỗ Huy Sinh, đoàn viên NĐ Xe ôm phường Hiệp Bình Phước, rất cảm kích. Ông Sinh năm nay đã 65 tuổi, hành nghề xe ôm truyền thống được hơn 20 năm. Khi chưa có xe ôm công nghệ, ông Sinh còn kiếm được mỗi ngày từ 100.000-200.000 đồng. Thế nhưng, từ khi xe ôm công nghệ phát triển mạnh, thu nhập của ông Sinh giảm phân nửa, chỉ có thể lay lất qua ngày. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát và TP HCM áp dụng Chỉ thị 16, có ngày ông Sinh không chạy được cuốc xe nào, phải xin cơm từ thiện để sống. Vợ ông Sinh đã 60 tuổi, không có thu nhập, chỉ phụ giữ mấy đứa cháu cho con làm công nhân. Nhiều nhà máy đóng cửa phòng chống dịch Covid-19, con gái, con rể của ông cũng tạm nghỉ làm. Do vậy, khi nhận được khoản tiền hỗ trợ (500.000 đồng) từ tổ chức Công đoàn, ông Sinh rất vui. "Khoản tiền này giúp tôi xoay xở được nhiều thứ, chủ yếu là mua gạo, ít thịt, rau củ cho cả nhà trong những ngày giãn cách. Sự quan tâm, hỗ trợ của tổ chức CĐ giúp gia đình tôi tạm quên đi khó khăn trước mắt" - ông Sinh nói.
"Mừng muốn khóc" là cảm giác của bà Đỗ Thị Huệ - đoàn viên NĐ Xe ôm phường Linh Trung, TP Thủ Đức - khi nhận được quà hỗ trợ từ LĐLĐ TP Thủ Đức. Bà Huệ năm nay 55 tuổi, hành nghề xe ôm được 17 năm, nuôi chồng và 2 cô con gái. Chồng nghiện rượu nặng, nhiều lần suýt chết nên bà Huệ phải vừa chạy xe ôm vừa chăm sóc, lo điều trị bệnh cho chồng. Hai cô con gái cũng lận đận khi người ly hôn, người mất chồng, mang về cho bà Huệ 4 đứa cháu ngoại để chăm sóc. "Chạy xe ôm không đủ để lo cho cả nhà, tôi còn giúp việc nhà, đi chợ cho mọi người trong khu phố. Làm được gì, tôi làm hết để phụ lo cho đám cháu. Phần quà của tổ chức Công đoàn lúc này rất quý đối với gia đình tôi" - bà Huệ tâm sự.
Ông PHẠM CHÍ TÂM, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Giúp người lao động có thêm niềm tin
Dịch Covid-19 bùng phát khiến đời sống đại đa số NLĐ, trong đó có lao động tự do tại các NĐ thêm khó khăn. Công ăn việc làm không ổn định dẫn đến sụt giảm thu nhập. Trong những ngày TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, sức ép cơm áo gạo tiền càng đè nặng lên họ. Sẻ chia khó khăn cùng đoàn viên, các cấp Công đoàn TP đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo thiết thực và giới thiệu vay vốn để họ có phương tiện sinh nhai. Sự hỗ trợ kịp thời của tổ chức Công đoàn sẽ giúp lao động tự do tại các NĐ có thêm niềm tin vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Bình luận (0)