Việc anh L.D.K, nhân viên bán hàng xuất sắc, đột ngột xin nghỉ việc khiến đồng nghiệp của anh ở bộ phận tiếp thị tại một doanh nghiệp (DN) kinh doanh xe phân khối lớn ở TP HCM rất bất ngờ. Khi đồng nghiệp gặng hỏi nguyên nhân, anh K. lắc đầu: "Tôi nghỉ việc bởi ban giám đốc không trân trọng công sức, đặc biệt là nhiệt huyết mà tôi đã dành cho DN. Tôi sẵn sàng làm lại từ đầu, miễn là cảm thấy thoải mái ở môi trường làm việc mới".
Cạn tình
Dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều DN gặp khó khăn trong kinh doanh và công ty nơi anh K. làm việc cũng không ngoại lệ. Lượng khách hàng giảm sút đã làm ảnh hưởng đến doanh thu và điều này buộc công ty anh K. phải bố trí cho nhân viên làm việc giãn ca hoặc nghỉ phép năm. Trong khó khăn như vậy, với nỗ lực tiếp thị bằng nhiều kênh, anh K. đã giúp công ty tiêu thụ 15 xe chỉ trong tháng 4, đạt doanh số gần 2 tỉ đồng.
Được nhận danh hiệu nhân viên bán hàng xuất sắc của tháng khiến anh K. rất vui. Thế nhưng, rắc rối cũng nảy sinh từ đây. Theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động (HĐLĐ), cứ mỗi chiếc xe bán ra, nhân viên tiếp thị sẽ được hưởng 1% hoa hồng trên giá bán (đã có thuế GTGT). Đến kỳ lãnh lương, anh K. hết sức bất ngờ khi phát hiện công ty chỉ chi 0,5%, thay vì 1% hoa hồng như cam kết.
Quan hệ lao động tại Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức ổn định nhờ doanh nghiệp và người lao động luôn thấu hiểu
Đem thắc mắc hỏi phòng kế toán thì anh K. nhận được câu trả lời đó là chủ trương của ban giám đốc. Gặp giám đốc công ty để hỏi cho ra lẽ thì anh K. cũng nhận được phản hồi tương tự. "Công ty kinh doanh ế ẩm nên nhân viên phải có nghĩa vụ chia sẻ để vượt qua khó khăn. Quy định này áp dụng cho tất cả nhân viên cho đến khi dịch bệnh chấm dứt" - giám đốc công ty trả lời.
Dù anh K. chỉ ra rằng công ty đã làm trái thỏa thuận trong HĐLĐ nhưng lãnh đạo công ty vẫn phớt lờ, thậm chí còn dọa nếu không đồng ý thì cứ nghỉ việc. Chỉ đến khi anh K. cho biết sẽ khiếu nại đến các cơ quan chức năng để đòi quyền lợi thì công ty mới chấp thuận thanh toán đủ hoa hồng. Cảm thấy quan hệ lao động khó hàn gắn sau vụ việc, anh K. đã nộp đơn xin nghỉ. Điều duy nhất khiến anh K. cảm thấy không hối tiếc sau tranh chấp là rất nhiều đồng nghiệp của anh được bảo đảm quyền lợi.
Mới đây, lợi dụng việc khan hiếm đơn hàng do dịch bệnh, một DN có đông lao động tại tỉnh Đồng Nai cũng đã thông báo cắt giảm lao động, bất chấp phản ứng của số đông người lao động (NLĐ). Số người bị chấm dứt HĐLĐ rơi vào những lao động lớn tuổi, trong đó nhiều người gắn bó và cống hiến từ ngày đầu thành lập DN. Họ ấm ức là phải bởi 2 tháng trước đó, để chia sẻ khó khăn với DN, rất nhiều người đã tình nguyện giảm giờ làm, không nhận tiền năng suất, thậm chí nghỉ không lương. Dù vậy, lãnh đạo công ty vẫn giữ nguyên quyết định cắt giảm lao động. Chỉ đến khi các cơ quan chức năng tỉnh can thiệp, lãnh đạo công ty mới ra văn bản tạm hoãn việc cắt giảm lao động.
"Cư xử có tình nhưng lại bị DN dội một gáo nước lạnh, điều này khiến chúng tôi hết sức thất vọng" - nhiều nữ công nhân (CN) bày tỏ.
Hợp tác và sẻ chia
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, xung đột quyền lợi trong quan hệ lao động là điều khó tránh khỏi. Do vậy, các bên liên quan phải hiểu và hành xử đúng luật, vừa có lý vừa có tình.
"Thượng tôn pháp luật, đặc biệt là biết nhận ra những khiếm khuyết trong cách hành xử để khắc phục thì sẽ giúp các bên xây dựng quan hệ hợp tác, sẻ chia. Ngược lại, mọi việc sẽ đi vào ngõ cụt" - ông Quảng phân tích.
Để đi đến quyết định vẫn trả lương cơ bản cho CN trong thời gian chờ việc, Ban Giám đốc Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức (quận Thủ Đức, TP HCM) hết sức cân nhắc, nhất là ở thời điểm hoạt động sản xuất gần như ngưng trệ do dịch bệnh. Thế nhưng, lãnh đạo công ty vẫn chọn giải pháp ổn định thu nhập cho CN bởi hiểu rằng nếu DN khó một thì NLĐ khó gấp 10 lần.
Ngay sau khi ban giám đốc công bố quyết định, hàng trăm CN rất phấn khởi, hiểu rõ hơn về cái tình mà DN dành cho họ. Do vậy, sau thời gian nghỉ việc tạm thời, không chỉ quay trở lại làm việc đầy đủ, họ còn dốc sức hỗ trợ ban giám đốc triển khai các đơn hàng còn dang dở.
Chứng kiến tinh thần làm việc của NLĐ sau thời gian giãn cách xã hội, ông Nguyễn Quang Ngà, giám đốc công ty, rất vui: "Không chỉ là chuyện miếng cơm manh áo, điều NLĐ cần nhất ở người sử dụng lao động (NSDLĐ) là cách hành xử. Nhận được sự sẻ chia kịp thời từ DN lúc khó khăn, chắc chắn NLĐ sẽ có thêm động lực cống hiến lâu dài".
Trò chuyện với chúng tôi về cách hành xử của NSDLĐ đối với NLĐ, giám đốc một DN có vốn đầu tư nước ngoài ở KCN Sóng Thần 2 (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bộc bạch: "Nói gì thì nói, NLĐ luôn ở thế yếu trong quan hệ lao động. Do vậy, trách nhiệm của NSDLĐ không chỉ dừng lại là bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho NLĐ mà còn phải đối xử với họ như người thân trong nhà".
Nhắc lại vụ việc cách đây vài năm khi công ty còn đóng ở quận Thủ Đức, TP HCM, vị giám đốc này vẫn dành cho CN sự tôn trọng đặc biệt. Thời điểm ấy, do không tìm được thị trường mới nên công ty không có đơn hàng, gần 400 CN thường xuyên thiếu việc. Dù đã nỗ lực hết sức nhưng công ty vẫn buộc phải cho 200 CN nghỉ việc. Để san sẻ khó khăn với họ, ngoài chế độ theo luật định, công ty còn hỗ trợ thêm 3 tháng lương.
Tại buổi đối thoại, tận tai nghe giám đốc công ty trình bày khó khăn cũng như biết rõ chế độ chính sách được hưởng, tất thảy CN mất việc rất cảm thông. Khi mở nhà máy mới tại Bình Dương, vị giám đốc này còn yêu cầu phòng nhân sự ưu tiên tuyển dụng số CN mất việc trước đó.
Quan hệ chủ - thợ trong giai đoạn hội nhập cần được xây dựng trên nền tảng hợp tác, sẻ chia. Các bên phải hiểu được khó khăn của nhau, từ đó có cách ứng xử phù hợp để không làm tổn thương quan hệ lao động. Về phía NSDLĐ, không chỉ bảo đảm quyền lợi mà còn phải cư xử trọn tình với CN, có như vậy quan hệ mới gắn kết, bền lâu".
Ông WANG CHEN YI, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ever Win (KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM)
Bình luận (0)