Việc thực hiện giãn cách xã hội một thời gian dài đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) rơi vào tình trạng khó khăn. Để tồn tại, duy trì được sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh ưu tiên cao nhất cho phòng chống dịch, nhiều DN đã phải chủ động thích ứng với dịch để có thể "vượt bão" thành công, chờ phục hồi sau đại dịch.
Biến "nguy" thành "cơ"
Để hạn chế tối đa sự đứt gãy chuỗi sản xuất và bảo đảm đời sống cho người lao động (NLĐ), Công ty TNHH Nam Bình Minh (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đã kịp thời chuyển đơn hàng từ nhà máy ở Bình Dương về hết nhà máy ở Đồng Nai.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình Minh, cho biết công ty chuyên sản xuất giày cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Tuy nhiên, 3 tháng nay, thị trường nội địa gần như đóng cửa, thị trường nước ngoài cũng không khả quan, đặc biệt trước đây, DN chủ yếu xuất khẩu sang Ấn Độ thì nay cũng chững lại rất nhiều. "Cái khó là đang sản xuất mùa này nhưng phải phát triển sản phẩm cho mùa tới thì có những vật tư lại bị gãy khúc. Tuy nhiên, do chủ động ngay từ đầu năm nên đơn hàng của công ty vẫn có đều và bảo đảm được việc làm cho NLĐ" - ông Vũ nói.
Công nhân Công ty TNHH Nam Bình Minh sản xuất theo phương án “Một cung đường, 2 điểm đến”. Ảnh: CHÂU LOAN
Trong đợt dịch này, nhà máy chính của công ty ở Đồng Nai ít bị ảnh hưởng do nằm trong "vùng xanh" an toàn nên DN áp dụng biện pháp "Một cung đường, 2 điểm đến", tất cả công nhân (CN) ở đây đều đi làm bình thường và tuyệt đối thực hiện nghiêm 5K để phòng chống dịch; riêng nhà máy ở Bình Dương phải đóng cửa do nằm trong "vùng đỏ".
Tương tự, Công ty TNHH Fashion Garment (KCN Biên Hòa 2; phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) hiện có khoảng 10.000 CN ở nhiều tỉnh, thành; riêng các nhà máy ở Đồng Nai có gần 6.000 CN nhưng chưa đến 1/3 làm việc "3 tại chỗ", số còn lại ở nhà nhưng vẫn được DN duy trì trả lương bằng mức lương tối thiểu vùng. Bà Lê Quang Thu Ngọc, Trưởng Phòng Tổ chức cấp cao công ty, cho biết nếu năm ngoái DN gặp khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ đơn hàng do dịch bệnh thì năm nay DN đã rút kinh nghiệm và có sự chuẩn bị kỹ càng hơn; ngoài việc tự cung ứng nguyên vật liệu, DN gần như chuyển toàn bộ đơn hàng ra nhà máy ở Quảng Nam để sản xuất, do đó các đơn hàng luôn đáp ứng đúng tiến độ.
Lo giãn cách kéo dài
Trao đổi với chúng tôi, đại diện nhiều DN thừa nhận nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, họ khó có thể gắng gượng nổi. Bà Phan Lê Diễm Trang - Giám đốc DNTN May Quốc tế (xã An Điền, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương - cho biết hiện công ty chỉ có khoảng 1/3 trong số hơn 400 CN đang làm việc "3 tại chỗ", số còn lại dù không đi làm nhưng vẫn được hỗ trợ tiền lương. Lo ngại về thời gian giãn cách kéo dài, bà Trang cho rằng với những công ty có số lượng CN ít như công ty của bà thì vẫn cố gắng xoay xở được tiền lương, đóng BHXH, còn những công ty thâm dụng lao động thì việc duy trì trả lương là rất khó khăn.
Một nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mới đây cho thấy từ khi bùng phát dịch Covid-19 từ ngày 27-4 đến nay, nhiều DN phải tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí giải thể. Kéo theo đó, hàng trăm ngàn CN phải nghỉ việc, giãn việc, làm việc luân phiên. Tại các tỉnh, thành phía Nam, nơi tập trung trên 60% DN thâm dụng lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ…, việc phong tỏa, giãn cách xã hội làm cho nhiều DN tiếp tục phải tạm ngừng, hạn chế hoạt động. Hầu hết DN sản xuất quy mô lớn, nhiều lao động, khi thực hiện mô hình "3 tại chỗ" và "một cung đường, 2 điểm đến" đã gặp rất nhiều khó khăn do các điều kiện cần thiết không được thiết kế từ đầu. Việc kéo dài thời gian lao động theo cách này đã ảnh hưởng lớn tới đời sống tâm lý, sức khỏe nên đã có NLĐ chấp nhận bỏ việc. Trong khi đó, việc thực thi các chính sách an sinh xã hội cho NLĐ còn nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và niềm tin của họ. Chẳng hạn, nhiều NLĐ buộc phải nghỉ việc hoặc phải thỏa thuận ngừng việc, giãn việc… nhưng do bị phong tỏa, cách ly nên không thể ký kết, làm các thủ tục chứng minh gia cảnh, dẫn đến không được hưởng chế độ kịp thời.
Theo nhóm nghiên cứu, Chính phủ cần sử dụng quyền được Quốc hội trao cho trong xử lý tình trạng khẩn cấp để tạm thời sử dụng các quỹ an sinh xã hội đang kết dư để hỗ trợ các đối tượng cần thiết, như: quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ khám chữa bệnh…; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan triển khai các chính sách tới đúng đối tượng. Để giữ chân NLĐ ở lại TP HCM và các địa phương có nhiều DN sản xuất lớn, nhóm nghiên cứu lưu ý địa phương tiếp tục rà soát toàn bộ lao động trên địa bàn, đặc biệt là lao động tự do, người di cư không có chỗ ở ổn định để kịp thời hỗ trợ thông qua các gói an sinh xã hội.
Tăng tốc giải ngân các gói hỗ trợ
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, nhấn mạnh cần tăng tốc giải ngân gói hỗ trợ cho vay 16.000 tỉ đồng để DN trả lương cho CN. Bên cạnh đó, gói an sinh 26.000 tỉ đồng giao cho các địa phương cũng cần thúc đẩy triển khai nhanh nhất có thể, không để tình trạng thủ tục phức tạp gây kéo dài thời gian đưa hỗ trợ đến tay người dân, đặc biệt là CN. Nếu triển khai nhanh các gói hỗ trợ sẽ phần nào giúp đời sống người dân, đặc biệt là CN tại các nhà máy, bớt khó khăn. Từ đó, họ có thêm động lực để bám trụ làm việc, giảm áp lực đứt gãy chuỗi cung ứng lao động tại các địa phương đang bùng dịch. Về phía DN, cần chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để sớm hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vắc-xin cho NLĐ. Việc này vừa giúp DN từng bước chuẩn bị đủ điều kiện cần thiết để khôi phục sản xuất trong điều kiện "bình thường mới" vừa giúp NLĐ yên tâm, tin tưởng gắn bó với DN. "TP HCM cùng một số địa phương phía Nam đã có thời gian giãn cách xã hội ở mức độ cao khá dài nên việc tất yếu phải chuẩn bị tinh thần để quay lại hoạt động sản xuất bình thường. Tuy nhiên, đã có không ít NLĐ rời bỏ các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bởi thiếu chính sách hỗ trợ, lo sợ bị mắc bệnh trong thời gian chờ đợi tiêm vắc-xin. Do đó, vắc-xin là cách tốt nhất có thể giữ chân NLĐ" - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-9
Bình luận (0)