Nghe tin ban giám đốc nâng lương cơ bản thêm 150.000 đồng và tăng phụ cấp nhà trọ từ 200.000 đồng lên 250.000 đồng/tháng từ ngày 1-8, toàn bộ 100 công nhân (CN) Công ty Kiến Thành (sản xuất cửa nhôm; thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) rất phấn khởi. Đây là kết quả của lần đối thoại định kỳ giữa ban giám đốc và tập thể CN được tổ chức trong tháng 7-2016.
Với mức nâng 150.000 đồng/người, lương cơ bản của CN Công ty Kiến Thành đạt 3,7 triệu đồng/người. Đề cập quyết định này, ông Diệp Kiến Thành, giám đốc công ty, chia sẻ: “Doanh nghiệp (DN) có ít lao động nên ban giám đốc luôn tôn trọng ý kiến và cố gắng hết mức để đáp ứng nguyện vọng của anh em CN. Hy vọng với sự sẻ chia khiêm tốn này, CN sẽ hiểu và an tâm làm việc”.
So với các DN cùng ngành nghề trên địa bàn, chế độ tiền lương và đãi ngộ của Kiến Thành chỉ ở mức trung bình khá. Thế nhưng, điều khiến tập thể CN trân trọng là chưa bao giờ công ty xâm phạm quyền lợi của họ; trái lại còn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải quyết hợp lý, hợp tình. Chẳng hạn như khi Công đoàn (CĐ) cơ sở đề xuất nâng phụ cấp nhà trọ lên 250.000 đồng, ban giám đốc đồng ý ngay bởi theo phản ánh của CN, giá thuê phòng trọ gần công ty thời gian gần đây tăng cao khiến đời sống của họ gặp nhiều khó khăn.
Trước đây 2 tháng, ghi nhận phản ánh của CN về sự bất cập trong tiền thưởng năng suất giữa các bộ phận, ông Thành chỉ đạo xem xét, giải quyết ngay. Ngoài tiền lương, phụ cấp, công ty còn quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho CN. “Cái gì thuộc về trách nhiệm của DN thì chúng tôi thực hiện đầy đủ. Đối với những đề xuất cao hơn luật, chúng tôi chủ động đối thoại với CĐ để tìm hướng giải quyết phù hợp” - ông Thành chia sẻ.
Cũng thấu tình đạt lý như vậy là cách hành xử của lãnh đạo Công ty CP Thanh Lê Landcape (tiền thân là Công ty TNHH Lê Thanh; đóng tại quận 7,
TP HCM). Do kinh doanh gặp khó khăn, từ 800 lao động ban đầu, nay chỉ còn 100 người. Thế nhưng công ty chưa bao giờ nợ lương, thưởng cũng như chế độ chính sách khác của CN. Gần đây nhất, dù phải cắt giảm thêm 100 lao động trong hoàn cảnh khó khăn bủa vây nhưng công ty vẫn giải quyết ổn thỏa mọi việc. Tại ngày hội CN gần đây, lãnh đạo công ty đã cảm ơn những CN hết lòng gắn bó và hứa sẽ cố gắng khôi phục sản xuất kinh doanh nhằm chăm lo tốt hơn đời sống CN.
Hóa giải bức xúc kịp thời
Từng tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp lao động, ông Giang Văn Nam, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho biết tâm lý e ngại đối thoại của nhiều chủ DN là nguyên nhân khiến tranh chấp lao động phát sinh. Nhận định này hoàn toàn đúng trong thực tế.
Để hóa giải điều này, theo ông Vũ Thế Vinh, Chủ tịch CĐ Công ty Phúc Thắng (100% vốn Anh quốc), chính CĐ cơ sở phải thể hiện cho được vai trò cầu nối giữa chủ DN và tập thể lao động. Ở Công ty Phúc Thắng, với hệ thống dư luận xã hội được tổ chức ở các tổ sản xuất, CĐ cơ sở có thể nắm bắt sát sao tâm tư, nguyện vọng của CN. Trên cơ sở thu thập và chắt lọc thông tin, CĐ cơ sở xây dựng phương án và đề xuất ban giám đốc xem xét, giải quyết. Sự chủ động này đã giúp hóa giải kịp thời mọi bức xúc của CN, giúp DN “vá” những lỗ hổng trong chính sách chăm lo.
“Ở những đơn vị có quan hệ lao động ổn định, điều dễ thấy nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa CĐ và lãnh đạo DN trong giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động. Thiện chí, thẳng thắn, sòng phẳng và sẵn sàng đối thoại là những yếu tố giúp quan hệ lao động bền vững” - ông Giang Văn Nam khẳng định.
Hành xử có trách nhiệm
Theo ông Bùi Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Khải Hoàn (tỉnh Bình Dương), việc xác lập quan hệ hợp tác chặt chẽ với CĐ và sẵn sàng đối thoại với tập thể lao động sẽ giúp DN duy trì sự ổn định. “Kiến nghị của CN có thể đúng và có thể chưa đúng song DN phải có trách nhiệm xem xét, tìm hướng giải quyết. Làm được điều này, DN sẽ tạo một cái nhìn thiện cảm cho CN” - ông Hùng nói.
Bình luận (0)