Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Quang Điều - Trưởng ban Chính sách kinh tế - xã hội và Thi đua khen thưởng, Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết, việc ban hành nghị quyết về việc giảm mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) được quy định tại Luật Việc làm là việc rất lớn, tác động tới hàng triệu NLĐ, nhưng cơ quan soạn thảo chưa tổ chức tổng kết, không tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng có liên quan, trong đó có NLĐ, do đó Quốc hội cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ban hành nghị quyết.
Không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp
Ông Điều cũng đưa ra ví dụ về việc công nhân Công ty TNHH P.Y Việt Nam (100% vốn Đài Loan, có trụ sở tại quận Bình Tân, TPHCM) và một số doanh nghiệp (DN) ở Long An, Tây Ninh, Tiền Giang đã không đồng tình với những sửa đổi Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 nên xảy ra đình công kéo dài (năm 2015).
Người lao động làm hồ sơ đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại Sở LĐ-TB-XH Hà Nội. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Phúc đáp văn bản số 647/LĐTBXH-VL ngày 27-2-2017 của Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) về việc xin ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh mức đóng vào Quỹ BHTN đối với NSDLĐ quy định tại Điều 57 Luật Việc làm, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã không nhất trí với việc ban hành nghị quyết về điều chỉnh mức đóng vào Quỹ BHTN đối với NSDLĐ là để nâng cao sức cạnh tranh của DN. Ông Điều cho rằng lý do này không thuyết phục, vì: Mức giảm 0,5% quỹ lương của NLĐ làm căn cứ đóng BHTN là rất nhỏ, không đáng kể so với chi phí giá thành sản phẩm.
Ông Điều dẫn ra ví dụ: Một DN có 1.000 lao động với mức lương bình quân là 5 triệu đồng/người/tháng (là mức lương bình quân khá cao so với thực tế) thì tổng quỹ lương của DN là 5 tỉ đồng/tháng. Như vậy nếu giảm 0,5% mức đóng BHTN, mỗi tháng DN này cũng chỉ giảm 25 triệu đồng. Nếu DN có quy mô lao động dưới 100 người, thì số tiền đóng BHTN chỉ giảm dưới 2,5 triệu đồng/tháng.
“Số tiền này so với chi phí của DN là không đáng kể và cũng không thể nhờ số tiền này mà nâng cao sức cạnh tranh của DN được” - ông Điều nhận định.
Quỹ BHTN có nguy cơ thu không đủ chi
Ông Đặng Quang Điều nhận định thêm, Quỹ BHTN tồn lớn cũng không phải do số người thất nghiệp ít mà là do có rất nhiều NLĐ tham gia BHTN, nhưng chưa được hưởng chế độ BHTN vì nhiều nguyên nhân khác nhau, như khi mất việc làm họ không đi khai báo để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp; có nhiều NLĐ ở quá xa các thành phố, nơi có trung tâm giới thiệu việc làm để đăng ký thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp do ngại phải đi lại, tốn kém, mà mức trợ cấp ít, đôi khi không đủ tiền chi phí cho việc đi lại làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp…
Đơn cử một ví dụ, trao đổi với phóng viên sáng 9-4, anh L.V.Hoàn, công nhân (CN) Công ty TNHH Điện tử Việt Nam Tabuchi, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, năm 2011, anh có quãng thời gian thất nghiệp 7 tháng sau khi nghỉ việc ở công ty cũ. 7 tháng không đi làm ở đâu, không có thu nhập, tuy nhiên lúc đó anh không biết gì về BHTN để đi làm các thủ tục hưởng chế độ này.
Chị V.T.Loan, CN Công ty TNHH Ivory (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) chưa bao giờ nghĩ đến việc được hưởng BHTN, bởi “hành trình” làm thủ tục nhận BHTN rất khó khăn. Chị Loan cho biết: “Có rất nhiều DN là bạn tôi đã từng nghỉ việc và đi làm thủ tục để hưởng loại bảo hiểm này. Họ đều làm theo thủ tục, nghĩa là trong vòng 15 ngày từ khi có quyết định chấm dứt HĐLĐ thì phải nộp hồ sơ tới Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh (thuộc Sở LĐ-TB-XH). Theo tôi được biết thì sau đó, họ đều được hưởng BHTN, nhưng trong quá trình họ đi làm thủ tục thì khá vất vả; có người phải đi lại 2-3 lần mới làm xong. Hơn nữa, mỗi khi đến ngày lĩnh tiền BHTN, họ phải đến trực tiếp mới được nhận. Đối với những người ở gần trung tâm còn đỡ, còn những CN ở xa thì việc đi lại như vậy là rất vất vả, mệt mỏi”.
Ông Đặng Quang Điều cho rằng, Quỹ BHTN tồn dư lớn trong thời gian qua cũng không phải do tỉ lệ đóng cao, mà là do hiện nay quỹ chủ yếu mới chi trợ cấp thất nghiệp và đào tạo nghề cho lao động sau khi thất nghiệp mà chưa chi cho đào tạo, chuyển đổi nghề hoặc đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ để có việc làm ổn định và bền vững, tránh bị thất nghiệp. Do đó, trong thời gian tới Quỹ BHTN cần phải tăng cường hỗ trợ, chi cho việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp…“Trong thời gian tới, khi ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý lao động, khai báo thất nghiệp và chi trả trợ cấp thất nghiệp càng ngày càng hiện đại hóa, thuận tiện, khi đó NLĐ có thể thực hiện việc khai báo thất nghiệp tại nhà hoặc bằng các thiết bị di động thì chi trợ cấp thất nghiệp chắc chắn sẽ tăng và đến thời điểm nhất định, Quỹ BHTN hoàn toàn có nguy cơ thu không đủ chi trong tương lai gần” - ông Điều nhận định.
Ông Bùi Tiến Lực - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hòa Bình: Theo tôi, BHTN là một chính sách rất nhân văn bởi nó huy động được trách nhiệm của cộng đồng đối với lực lượng lao động. Nếu chúng ta giảm một nửa trách nhiệm của doanh nghiệp đối với quỹ này là bất cập, bởi như thế có nghĩa là quỹ này sẽ bị giảm đi, đồng nghĩa với việc tiền để dành thanh toán chế độ cho NLĐ sẽ giảm đi. Trong khi đó, mức đóng góp của NLĐ vẫn giữ nguyên, như thế vô hình trung là chúng ta đã đặt thêm gánh nặng lên vai NLĐ. Đời sống NLĐ vốn đã khó khăn, khi thất nghiệp lại càng khó khăn hơn. Mặt khác, NLĐ là nguồn lực chính của xã hội, muốn nguồn lực này lớn mạnh thì cần phải có sự phối hợp của cả ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và bản thân NLĐ. Còn muốn “gỡ khó” cho doanh nghiệp thì Nhà nước cần có những cơ chế khác như giảm thuế, giảm giá cho thuê đất, giãn thời gian miễn thuế đất. Như thế mới đúng là cộng đồng trách nhiệm để xây dựng một xã hội phát triển.
Anh Phạm Quang - một lao động đang thất nghiệp: Hiện nay các thủ tục nhận BHTN tuy đã bớt rườm rà, nhưng vẫn còn môt số bất cập, cụ thể như sau khi thực hiện xong các thủ tục, NLĐ sẽ được hưởng 6 tháng tiền trợ cấp thất nghiệp, nhưng hằng tháng NLĐ phải đến Sở LĐTBXH vào một ngày được ấn định để kê khai vào phiếu xác nhận chưa tìm được việc làm mới để cơ quan quản lý làm các thủ tục chuyển tiền vào tài khoản cho họ. Đây là một bất cập, vì khi đã làm các thủ tục để NLĐ được hưởng 6 tháng thì không cần thiết phải đến đăng ký lại hằng tháng vì sẽ mất thời gian cho NLĐ khi đang đi tìm việc làm hoặc học lại nghề mới.
Ông Nguyễn Liên Phương - Giám đốc Học viện Doanh nhân Việt Nam: Tôi cho rằng việc giảm 0,5% mức đóng quỹ BHTN của doanh nghiệp không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của NLĐ. Trong khi đó, việc giảm bớt mức đóng BHTN từ 1% xuống còn 0,5% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ đang tham gia BHTN sẽ giảm bớt gánh nặng cho DN, tạo điều kiện để DN nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện để phát triển DN. Vì vậy, tôi ủng hộ việc giảm bớt các loại phí cho DN xuống, trong đó có chi phí đóng góp quỹ BHTN.
Ông Nguyễn Khắc Thảo - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco Việt Nam: Việc giảm 0,5% có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện kinh doanh gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh như hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, lợi nhuận mang lại rất nhỏ. Hơn nữa, từ đầu năm đến nay nhiều doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi phải chịu ảnh hưởng của lượng sản phẩm dư thừa từ năm 2016 dồn lại, thì việc giảm bớt chi phí sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện để khắc phục khó khăn, tiếp tục khôi phục sản xuất.
Ông Nguyễn Hồ Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam: Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, các DN Việt Nam phải tăng chất lượng và giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài. Nếu được giảm mức đóng BHTN xuống 0,5%, DN sẽ có điều kiện để giảm giá thành để hàng hóa có thể cạnh tranh với hàng hóa từ thị trường Châu Âu và trong khu vực. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, mức giảm 0,5% không nhiều, nhưng với những DN sử dụng hàng nghìn lao động, thì đây là một nguồn chi phí được giảm rất lớn, thậm chí lên đến hàng tỉ đồng, có thể hỗ trợ DN sử dụng nguồn tiền này để đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, để hàng hóa có thể không chỉ được tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước, mà có thể xuất khẩu ra nước ngoài.
Bình luận (0)