Cách đây không lâu, chứng kiến cảnh ông E.H.K, Giám đốc Công ty TNHH Giày A.J (100% vốn Hàn Quốc; quận Bình Tân, TP HCM), đi xe ôm đến thanh toán tiền lương cho công nhân (CN), một cán bộ cơ quan thi hành án địa phương bày tỏ sự cảm thông: “Công ty phá sản, nợ lương và BHXH của CN không ít, thậm chí bị cấm rời khỏi Việt Nam nhưng ổng vẫn ở lại giải quyết quyền lợi cho CN. So với nhiều ông chủ làm ăn thua lỗ và bỏ của chạy lấy người, cách hành xử của ông E.H.K là đáng ghi nhận”.
Nợ công nhân lời xin lỗi
Nhắc lại nguyên nhân dẫn đến những bất ổn trong quan hệ lao động trước đây, giọng ông E.H.K chùng xuống: “Tôi nợ người lao động (NLĐ) một lời xin lỗi”.
Giữ chữ tín với công nhân là cách doanh nghiệp phát triển căn cơ
Chính thức đi vào hoạt động từ năm 1992, vào thời điểm cực thịnh, Công ty TNHH Giày A.J có hơn 2.000 lao động. Giai đoạn đầu, do đơn hàng ổn định nên công ty thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho CN, chưa bao giờ để xảy ra khiếu nại. Đầu năm 2009, công ty liên tục gặp khó khăn trong sản xuất và buộc phải cắt giảm lao động. Từ 2.000 lao động ban đầu, công ty chỉ còn 130 người làm việc cầm chừng. Khi nộp đơn làm thủ tục phá sản, công ty còn nợ BHXH và trợ cấp của CN hàng tỉ đồng.
Nhiều lần quay về công ty đòi quyền lợi nhưng chỉ nhận được lời hứa suông, tập thể CN bày tỏ sự thất vọng và quyết định khởi kiện ra tòa. Cùng thời gian này, ông E.H.K cũng bị cấm quay về Hàn Quốc cho đến khi nào giải quyết xong quyền lợi cho toàn bộ CN. Khi tòa xử CN thắng kiện, ông buộc phải thanh lý toàn bộ máy móc để chi trả quyền lợi cho họ. Do công ty ngừng hoạt động đã lâu nên phần lớn máy móc xuống cấp, số tiền thanh lý chẳng đáng là bao. Đó cũng là lý do nhiều CN chỉ nhận được giải quyết quyền lợi một cách... tượng trưng.
Hiểu được tình cảnh của giám đốc, số đông CN không một lời hờn trách, trái lại đều bày tỏ sự chia sẻ. “Thời gian qua, ổng cũng đã nếm trải đủ mọi khó khăn rồi, giờ có làm khó ổng thì cũng chẳng giải quyết được gì. Thôi thì cứ rộng lượng để ổng về với gia đình” - CN Nguyễn Thị Kim Loan bày tỏ. Lời tâm sự của chị Loan khiến ông E.H.K xúc động không nói nên lời. “Tôi may mắn khi được anh em CN thông cảm. Cách hành xử nhân văn của họ khiến tôi ân hận” - ông E.H.K nói.
Không thoái thác trách nhiệm
Mới đây, khi lập thủ tục đăng ký mới doanh nghiệp (DN) và tiến hành tuyển dụng lao động, ông H. - giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và chăm sóc cây cảnh tại quận 7, TP HCM - rất bất ngờ khi số CN đến đầu quân phần lớn là CN cũ trước đây. “Tôi không nghĩ họ sẽ quay về và tiếp tục gắn bó với công ty” - ông H. xúc động nói.
Cách đây vài năm, công ty do ông H. quản lý là một DN có tiếng tăm. Nhiều công trình chăm sóc cây cảnh tại quận 7 đều do công ty ông đảm trách. Không chỉ bảo đảm chế độ chính sách cho CN, ban giám đốc còn phối hợp với Công đoàn cơ sở lo chỗ ở chu đáo cho họ; thậm chí bảo lãnh vay vốn làm kinh tế phụ gia đình. Nhiều năm liền, công ty được xem là hình mẫu về quan hệ lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, khó khăn trong việc đấu thầu cạnh tranh khiến thị phần của công ty bị thu hẹp, buộc ban giám đốc phải cắt giảm lao động. Trước nguy cơ CN lâm vào cảnh mất việc, ban giám đốc phối hợp tốt với Công đoàn cơ sở giải quyết đầy đủ chế độ chính sách cho họ, không để NLĐ khiếu nại. Động thái này của ban giám đốc trong tình cảnh DN thua lỗ khiến tập thể lao động cảm kích và đó cũng là lý do khi công ty hoạt động trở lại, họ đã quay về đầu quân.
Theo ông Nguyễn Phi Hổ, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM, trong tình hình cạnh tranh gay gắt hiện nay, chuyện DN làm ăn thua lỗ, thất bại hết sức bình thường. Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là cách hành xử của chủ sử dụng lao động ra sao. Nếu hành xử có trách nhiệm thì dù khó khăn cũng sẽ được NLĐ chia sẻ.
Bình luận (0)