Thời gian qua, đặc biệt là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, nhiều vụ ngừng việc tập thể đã xảy ra trên cả nước, trong đó có TP HCM. Hầu hết các cuộc ngừng việc đều liên quan đến lương, thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi. Qua khảo sát của Công đoàn cấp trên cơ sở, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp ngoài sai phạm của chủ doanh nghiệp (DN) còn xuất phát từ việc giữa người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) chưa xây dựng được cơ chế đối thoại hợp lý.
Cởi mở, minh bạch
Nhiều năm liền là đơn vị điển hình chăm lo tốt NLĐ, thế nhưng ngay vào đầu năm 2022, Công ty CP G.M Sài Gòn (quận Gò Vấp, TP HCM) đã xảy ra ngừng việc. Nguyên nhân khiến NLĐ bức xúc là do DN thay đổi cách tính lương các tháng trong quý I/2022. Tập thể NLĐ cho rằng với cách tính mới này thì thu nhập của họ bị giảm nhiều trong khi độ khó đơn hàng tăng lên. Tình hình căng thẳng kéo dài suốt 2 ngày, dù ban giám đốc và Công đoàn cơ sở đã tìm mọi cách hàn gắn quan hệ lao động.
Trực tiếp tham gia giải quyết vụ việc, ông Phạm Văn Tài, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp, cho biết dịch bệnh kéo dài trong năm 2020 và 2012 khiến DN gặp nhiều khó khăn do đơn hàng giảm mạnh. Để ổn định việc làm cho NLĐ, công ty đã nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới, kể cả việc chuyển đổi mặt hàng sản xuất (từ may mặc qua thủ công nghiệp). Thế nhưng, việc chuyển đổi này đã phát sinh nhiều vấn đề, bởi mặt hàng mới khó gia công hơn so với sản phẩm may mặc trước đó. Năng suất làm việc giảm trong khi đơn giá thấp cũng đã kéo theo thu nhập của NLĐ giảm sút. "Hai bên đều gặp khó nhưng đã không đối thoại kịp thời để tìm được sự đồng thuận, do vậy không thể triệt tiêu mầm mống tranh chấp. Chỉ khi LĐLĐ quận đứng ra tổ chức đối thoại, phân tích cho NLĐ hiểu được cái khó của DN và ban giám đốc cam kết sẽ tính lại đơn giá gia công cho NLĐ thì sự việc mới lắng xuống. Điều đó cho thấy, NLĐ sẵn sàng chia sẻ khi thật sự hiểu được tình hình của DN" - ông Tài khẳng định.
Sự việc tương tự cũng diễn ra tại Công ty CP Đ.K (quận 8) khi giám đốc tránh né đối thoại với NLĐ. Trước Tết Nguyên đán 2022, dù liên tục gặp khó khăn nhưng công ty vẫn cam kết với các cơ quan chức năng quận sẽ có một khoản hỗ trợ Tết cho NLĐ. Thế nhưng, thay vì công khai để NLĐ biết thì ban giám đốc cứ "ậm ừ" khiến họ hoang mang. Đỉnh điểm là cận Tết, NLĐ yêu cầu gặp gỡ và đối thoại với DN về việc thưởng Tết nhưng chủ DN từ chối không ra mặt. Vừa lo lắng vừa bức xúc nên tập thể NLĐ đã ngừng việc. Chỉ đến khi cơ quan chức năng can thiệp, công ty mới công bố mức hỗ trợ Tết (từ 1-2 triệu đồng/người). Từ sự việc trên, đại diện LĐLĐ quận cho rằng việc cởi mở thông tin về tình hình DN là chìa khóa quan trọng để hóa giải tranh chấp từ gốc.
Quan hệ lao động tại Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam luôn ổn định nhờ làm tốt công tác đối thoại
Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người lao động
Dịch bệnh gây ra những tác động rất lớn với cả DN và NLĐ và một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất ổn trong quan hệ lao động tại nhiều DN. Tuy nhiên ở những nơi, DN và Công đoàn xem trọng đối thoại và tích cực, chủ động trao đổi thông tin với NLĐ thì những vấn đề phát sinh liên quan đến lương, thưởng sẽ được giải quyết hợp lý.
Đơn cử như Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (quận Bình Thạnh, TP HCM), kể cả trong giai đoạn dịch bệnh, DN này vẫn duy trì các kênh kết nối với NLĐ. Cụ thể, Công đoàn công ty xây dựng riêng trang Fanpage và các nhóm Zalo để trao đổi, tiếp nhận thông tin và những góp ý của NLĐ về hoạt động Công đoàn, những băn khoăn về các chế độ chính sách hỗ trợ của nhà nước và của DN... Nhờ vậy, mọi thắc mắc của NLĐ đều được hồi đáp và giải quyết kịp thời. Tương tự, Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam (huyện Củ Chi) cũng đặc biệt coi trọng việc đối thoại, nhất là giai đoạn dịch bệnh. Ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết năm 2021, DN gặp rất nhiều khó khăn, có giai đoạn tạm ngưng sản xuất để chống dịch, do vậy việc tổ chức đối thoại tập trung là không thể. Tuy nhiên, Công đoàn công ty đã linh hoạt thay đổi phương thức đối thoại bằng cách định kỳ lấy ý kiến của tất cả NLĐ và tập hợp những vấn đề NLĐ quan tâm nhiều nhất để trao đổi, thương lượng với ban giám đốc. Kết quả của các cuộc thương lượng giữa Công đoàn và DN sẽ được niêm yết công khai ở các xưởng để NLĐ biết.
Ông Hải bật mí cuối năm 2021, qua tập hợp ý kiến NLĐ, Công đoàn đã thương lượng với DN điều chỉnh nhiều phúc lợi cho hơn 2.400 NLĐ. Cụ thể như tăng tiền hỗ trợ nhà trọ từ 250.000 đồng lên 500.000 đồng/người/tháng; tăng tiền chuyên cần từ 250.000 đồng lên 500.000 đồng/người/tháng; phụ cấp ưu đãi hằng tháng cũng được tăng từ 50.000 đồng cho mỗi năm làm việc lên 70.000 đồng. Với điều chỉnh này, một CN gắn bó 10 năm sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi với mức 700.000 đồng/tháng...
Đối thoại chính là cách tốt nhất để hạn chế phát sinh tranh chấp. Do đó, Công đoàn cơ sở phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng NLĐ, từ đó chủ động yêu cầu DN đối thoại, có như vậy mới giải quyết mọi gút mắc trong quan hệ lao động".
Ông NGUYỄN THÀNH ĐÔ, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP
Bình luận (0)