Nhiều công ty trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã bỏ yêu cầu bằng ĐH trong các tiêu chí sàng lọc ứng viên. Nhờ thế, một số vị trí nghề nghiệp trước đây chỉ dành cho sinh viên tốt nghiệp ĐH nay đã mở ra cơ hội với những người không có bằng ĐH.
Xu hướng tuyển dụng mới
Theo nghiên cứu của tạp chí Harvard Business Review (thuộc ĐH Harvard, Mỹ) phân tích kết quả từ 51 triệu việc làm, ngày càng nhiều công ty, bao gồm công ty công nghệ thông tin (IT), đã bỏ yêu cầu về bằng cử nhân với một số vị trí công việc. Thay vào đó, họ tập trung tuyển dụng dựa trên kỹ năng để mở rộng nguồn nhân tài.
Tạp chí này dẫn chứng, gần 30% nội dung đăng tuyển dụng của IBM (tập đoàn công nghệ đa quốc gia, Mỹ) cho vị trí kỹ sư phần mềm không còn bắt buộc phải có bằng ĐH. Tại Accenture (công ty cung cấp dịch vụ và tư vấn công nghệ, Ireland), con số này đối với vị trí quản trị mạng là 50%.
Hay như Google cũng đã đưa ra thay đổi về chính sách tuyển chọn nhân sự, trong đó chú trọng vào các kỹ năng cần thiết trong công việc hơn là trình độ học vấn. Bà Kyle Ewing, Giám đốc nhân sự của Google, từng cho biết không có mối tương quan nào giữa nhân viên tốt nhất của Google với trường ĐH mà họ theo học, hay điểm trung bình của họ.
Đại diện một doanh nghiệp công nghệ thông tin (trái) tuyển dụng nhân sự tại một ngày hội việc làm ở TP HCM
Theo một công bố khác, phần lớn các nhà tuyển dụng được khảo sát trả lương cao hơn 11% - 30% cho sinh viên tốt nghiệp ĐH so với những người không có bằng ĐH. Đáng nói, nhiều doanh nghiệp (DN) thừa nhận những người không có bằng cử nhân có kinh nghiệm làm việc tương đương hoặc hơn với người đã tốt nghiệp trên các khía cạnh hiệu suất, thời gian thăng tiến.
Việc tuyển dụng dựa trên bằng cấp từng bị chỉ trích là có thể loại trừ không ít ứng viên năng lực và làm suy yếu hiệu quả của thị trường lao động. Do đó, xu hướng mới được đánh giá sẽ thúc đẩy sự bình đẳng, đa dạng trên thị trường lao động. Từ đó, đưa đến cơ hội nghề nghiệp ổn định, thu nhập tốt cho nhiều người.
Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng không ít DN khi tuyển dụng không yêu cầu bắt buộc phải có bằng ĐH. "Khi tuyển dụng nhân sự, chúng tôi quan tâm nhiều nhất là năng lực của ứng viên thông qua các bài kiểm tra. Ở Viettel đã có nhiều trường hợp các ứng viên không có bằng ĐH nhưng lại thể hiện sự phù hợp cao qua các bài kiểm tra năng lực, do đó họ vẫn được lựa chọn để ký hợp đồng" - đại diện phòng nhân sự Viettel nói.
Kiên định lộ trình nghề nghiệp
Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Hà Nguyên Văn (19 tuổi, quê Hà Tĩnh) vào học nghề lập trình viên tại một DN ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Qua 3 tháng nỗ lực học tập, anh đã được công ty nhận vào làm chính thức cùng mức lương ban đầu hơn 5 triệu đồng/tháng. Anh Văn xem đây là khởi đầu để xây dựng những nền tảng cơ bản cho hành trình trở thành một lập trình viên chuyên nghiệp.
Theo ông Nguyễn Huy Kỳ Trung, nhà sáng lập Recruitland.co - mạng lưới kết nối tuyển dụng nhân sự tự do, trường hợp như anh Văn không phải là hiếm. Mặc dù khởi đầu khá khó khăn, nhưng nếu kiên định theo đuổi lộ trình nghề nghiệp rõ ràng thì sẽ có cơ hội phát triển tương đương với những người tốt nghiệp ĐH. Đối với những ngành như IT, điều quan trọng là các dự án ứng viên đã tham gia và khả năng tư duy trong công việc. Không ít DN đưa ra quyết định tuyển dụng dựa trên kinh nghiệm, thái độ và giá trị phù hợp, hơn là chú trọng vào thành tích học tập cụ thể.
Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Giám đốc Tuyển dụng toàn quốc Adecco Việt Nam, ngoài IT, yêu cầu về bằng cấp trong một số lĩnh vực như: chăm sóc khách hàng, môi giới tài chính... cũng bớt khắt khe hơn. Ông Chương lý giải đây là những nhóm ngành có yêu cầu cao về kết quả thực tiễn công việc và có chuyên môn không phụ thuộc vào bằng cấp.
"Dù vậy, đặc thù của thị trường lao động Việt Nam và Đông Nam Á có xu hướng sàng lọc tuyển dụng qua bằng cấp. Do đó, các nhóm ngành quản lý chung như: nhân sự, tài chính, bán hàng, marketing… yêu cầu tuyển dụng liên quan tới bằng cấp vẫn không thay đổi trong hiện tại cũng như tương lai gần" - ông Chương phân tích.
Ông Đào Minh Tân, Giám đốc điều hành website việc làm Findjobs.vn, cho rằng 5 năm trở lại đây, các tiêu chí đánh giá ứng viên ngày càng được mở rộng với rất nhiều lựa chọn. Cơ hội cho những nhân sự không có bằng ĐH tìm việc trình độ cao cũng trở nên đa dạng. Với những nhân sự này, thực lực và kỹ năng chính là sự bảo đảm được xem chắc chắn hơn cả bằng ĐH. "Cơ hội việc làm đến từ chính cách tiếp cận của người lao động và sự linh hoạt trong cách nhìn nhận năng lực ứng viên từ phía DN" - ông Tân nói.
Bình luận (0)