Trí tuệ nhân tạo (AI) không còn xa lạ mà đang đi vào mọi ngõ ngách trong công việc cũng như cuộc sống. AI đã và đang được nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam ứng dụng, mang lại nhiều tiện ích cho cuộc sống cũng như hỗ trợ người lao động (NLĐ) ở nhiều lĩnh vực khác nhau. AI cũng đang giúp các DN cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng năng suất, rút ngắn thời gian phục vụ khách hàng... Các ứng dụng của AI bắt đầu phổ biến trên phương tiện giao thông, trong các nông trại, nhà máy, cửa hàng..., thậm chí can thiệp vào cả bữa ăn hằng ngày của con người.
Thiếu nguồn cung
Đăng tuyển nhiều kỹ sư AI với mức lương hấp dẫn nhưng Công ty CP Rikkeisoft (quận Tân Bình, TP HCM) vẫn chưa tìm được người. Bà Lại Thị Huyền, Trưởng Phòng Tuyển dụng và Chính sách nhân sự Công ty CP Công nghệ Rikkeisoft, cho biết công ty hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, công nghệ cao, chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin nên nhu cầu tuyển dụng nhân viên IT, AI là rất lớn.
"Công ty có văn phòng tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM và cả ở Nhật Bản nhưng ở Nhật Bản thì hoạt động tuyển dụng thuận lợi hơn, còn trong nước rất khó tìm được ứng viên ưng ý. Đa phần chúng tôi tuyển về rồi đào tạo lại để phù hợp với hoạt động của công ty" - bà Huyền nói.
Sinh viên ngành trí tuệ nhân tạo trải nghiệm công nghệ tại ngày hội “The Future of Now”
Khó khăn của Công ty CP Rikkeisoft cũng là khó khăn chung của tất cả DN hoạt động trong lĩnh vực AI tại Việt Nam. Tuy bảng xếp hạng nghiên cứu AI toàn cầu năm 2022 vừa được Thundermark Capital (Mỹ) công bố cho thấy Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng 26, trở thành một trong 2 đại diện của khu vực Đông Nam Á (cùng với Singapore), góp mặt trong tốp 30 thế giới về nghiên cứu AI và tốc độ phát triển các ứng dụng AI và tích hợp công nghệ AI tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh nhưng rào cản lớn nhất là nguồn nhân lực AI của Việt Nam đang thiếu trầm trọng.
Số liệu từ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc) cho thấy hiện chỉ có hơn 1.600 người Việt đang nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực có liên quan tới AI. Trong đó, chỉ có khoảng 700 người đang làm công việc này tại Việt Nam, số còn lại làm ở các nước khác. Ông Trần Trung Hiếu, CEO nền tảng tuyển dụng TopCV, cho biết trong vài năm trở lại đây, nhu cầu tuyển dụng nhân sự AI tại Việt Nam rất lớn nhưng nguồn cung rất thiếu. Nguồn cung nhân sự AI tại Việt Nam mới đáp ứng 10% nhu cầu tuyển dụng của thị trường, chưa kể thị trường nước ngoài còn rất nhiều cơ hội.
Nhu cầu nhân lực AI tăng cao, song theo thống kê chỉ khoảng 30% cử nhân công nghệ thông tin tốt nghiệp có thể làm việc liên quan đến AI, còn lại phải tiếp tục đào tạo mới có thể làm việc được. "Kỹ sư AI được các DN trải thảm đỏ với mức lương từ 38 đến 132 triệu đồng mỗi tháng nhưng luôn trong tình trạng cung không đủ cầu" - ông Hiếu nói.
Đào tạo còn nặng lý thuyết
Đánh giá về nguồn nhân lực AI tại Việt Nam, ông Øyvind Forsbak, Giám đốc công nghệ và là đồng sáng lập Công ty CP Phát triển phần mềm Á Đông (Orient Software), cho rằng nhu cầu nhân lực AI khan hiếm không chỉ ở Việt Nam mà tình trạng này diễn ra trên diện rộng cả trên thế giới. Đội ngũ kỹ sư AI tại công ty đa phần là người Việt, hầu hết phải đào tạo thêm do chương trình về AI tại các trường đại học chưa chuyên sâu.
"Ngành AI tại Việt Nam còn non trẻ. Điểm khác biệt giữa nhân sự AI tại Việt Nam so với các quốc gia khác là kinh nghiệm chưa nhiều. Điểm tích cực là nguồn nhân lực AI tại Việt Nam dồi dào hơn trước, kỹ năng đọc nghiên cứu được cải thiện. Tuy nhiên, trình độ tiếng Anh, tư duy và khả năng nhìn nhận vấn đề là điều các kỹ sư, lập trình viên trẻ cần trau dồi thêm" - ông Øyvind Forsbak nói.
Ông Nguyễn Gia Anh Vũ, Giám đốc khối công nghệ và chuyển đổi số của Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, cho biết AI đang giúp cải thiện năng suất dây chuyền sản xuất, cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng, bán hàng và cả trưng bày. AI là tương lai và sẽ đóng góp rất lớn cho mảng kinh doanh nên Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đang tập trung xây dựng đội ngũ nhân sự công nghệ AI riêng với số lượng lên đến 100 người. Trước sự khan hiếm nguồn nhân lực AI trong nước, công ty dự định sẽ chiêu mộ nhân sự từ nước ngoài, tuyển dụng về tự đào tạo hoặc "đặt hàng" cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.
Bà Đỗ Thị Ngọc Liên, Phó Giám đốc Navigos Search, cho biết nguồn nhân lực AI hiện chưa đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, DN và đang thiếu hụt nhân sự cho các vị trí như kỹ sư AI, kỹ sư dữ liệu và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Điều đáng mừng là nhiều trường đại học tại Việt Nam có các chương trình đào tạo liên quan đến AI, song chương trình đào tạo đang nặng về lý thuyết, chưa có nhiều cơ sở thực hành hiện đại cho sinh viên cọ xát thực tế.
"Vì không có nhiều trường cung cấp một chương trình đào tạo hoàn chỉnh cho AI nên sinh viên theo đuổi ngành này cần chủ động học thêm các khóa bên ngoài và trau dồi kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ. Các DN cũng nên bắt tay với các cơ sở đào tạo để thiết lập riêng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của mình" - bà Liên nói.
95 triệu việc làm mới được tạo ra nhờ vào trí tuệ nhân tạo
Tại sự kiện công nghệ AI tại Việt Nam "The Future of Now" do Vietnam Works tổ chức, ông Gaku Echizenya, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Navigos Group Việt Nam, cho biết dựa trên số liệu dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, đến năm 2025, 85 triệu việc làm sẽ bị loại bỏ, thay vào đó 95 triệu việc làm mới được tạo ra nhờ vào AI.
Bình luận (0)