Hiệu quả của thỏa ước lao động tập thể (gọi chung là thỏa ước) đem lại rất lớn, tuy nhiên việc đối thoại, thương lượng ký kết thỏa ước vẫn chưa được người sử dụng lao động (NSDLĐ) thật sự quan tâm và đây chính là nguyên nhân khiến quan hệ lao động tại các doanh nghiệp (DN) chưa thật sự ổn định, quyền lợi người lao động (NLĐ) chưa được bảo đảm. Đó là ý kiến của các đại biểu tại tọa đàm "Nâng cao hiệu quả thương lượng, ký kết thỏa ước tại DN" do LĐLĐ TP HCM tổ chức sáng 27-4.
Còn tình trạng chăm lo thì được, ký kết thì không
Theo các đại biểu, trong 2 năm trở lại đây, tình hình thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước chưa cao do các DN gặp khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Một số DN có chế độ đãi ngộ NLĐ rất tốt nhưng không muốn ký kết vì ngại ràng buộc trách nhiệm.
Phân tích thêm thực trạng này, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Chủ tịch LĐLĐ TP Thủ Đức, TP HCM - thẳng thắn chỉ ra rằng một số cán bộ Công đoàn cơ sở chưa nghiên cứu sâu về pháp luật lao động, đặc biệt là thiếu kỹ năng thương lượng. Ở một số DN, do hoạt động kiêm nhiệm và hưởng lương do chủ DN trả nên cán bộ Công đoàn ngại va chạm với NSDLĐ. Thêm vào đó, cán bộ Công đoàn cơ sở thường xuyên biến động nên việc thương lượng, đàm phán, phối hợp với NSDLĐ thực hiện thỏa ước chưa tốt.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP, cho biết trình độ ngoại ngữ hạn chế của không ít cán bộ Công đoàn cơ sở cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thương lượng, ký kết thỏa ước. "Nhiều bản thỏa ước đã hết hạn, nội dung không còn phù hợp với quy định pháp luật. Điều này có nguyên nhân từ hai bên, trong đó có một số cán bộ Công đoàn cơ sở còn thiếu kiến thức pháp luật về lao động, kỹ năng tuyên truyền, vận động, năng lực đàm phán còn yếu" - ông Thành cho biết.
Đại diện LĐLĐ TP Thủ Đức, TP HCM (bìa phải) ký kết thỏa ước lao động tập thể với doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn
Thiếu cán bộ Công đoàn chuyên trách cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thương lượng, ký kết thỏa ước hạn chế. Như ở LĐLĐ huyện Bình Chánh, TP HCM, chỉ có 8 cán bộ Công đoàn chuyên trách nhưng làm công việc của 10 người. Để giải quyết bài toán này, LĐLĐ huyện đã vận động đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ nhưng chế độ cho họ hiện nay quá thấp.
Thông tin thêm tại tọa đàm, bà Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM), cho biết sở đưa ra chỉ tiêu mỗi năm thành phố có 5.000 thỏa ước. Số lượng tuy đạt nhưng chất lượng rất hạn chế. Theo bà Hà, nội dung thỏa ước chỉ cần 1-2 trang nhưng phải có chất lượng. Đối với thỏa ước sao chép luật, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố không chấp nhận.
Công đoàn cấp trên phải tiếp sức cho cơ sở
Thương lượng tập thể được xem là chìa khóa giúp giảm thiểu và giải quyết mâu thuẫn, bất đồng tại DN. Để công tác thương lượng, xây dựng thỏa ước đạt hiệu quả, ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM - cho rằng cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, có sự phân công và thống nhất nội dung, đối tượng tuyên truyền cho từng bộ phận.
Theo ông Hải, ở một vài DN, việc thương lượng còn hạn chế vì cán bộ Công đoàn và chủ DN không ở vị trí ngang nhau. Do vậy, quá trình thương lượng và ký kết thỏa ước cần có sự hà hơi, tiếp sức của Công đoàn cấp trên và các cơ quan quản lý nhà nước, thay vì để Công đoàn cơ sở tự bơi. Ông Hải cũng đề xuất mỗi năm, LĐLĐ thành phố nên tổ chức giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở có thêm kiến thức và tự tin hơn trong công tác thương lượng.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Phương - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, TP HCM - Công đoàn cấp trên cần tăng cường hướng dẫn, tư vấn cho cán bộ Công đoàn cơ sở nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết để họ tự tin hơn trong việc thương lượng, ký kết thỏa ước. Bên cạnh đó, cần chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra DN trong việc thực hiện pháp luật cũng như thương lượng, ký kết thỏa ước.
Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật Công đoàn TP HCM, khâu quan trọng nhất trong việc xây dựng thỏa ước là thương lượng nhưng thực tế hiện nay chỉ có soạn thảo và ký kết. Để quá trình thương lượng thực chất, cần phát huy sức mạnh tập thể của ban chấp hành Công đoàn. "DN có hơn 500 lao động nhất thiết phải thành lập một tổ tư vấn pháp luật. Sau khi ký kết, thỏa ước phải được công khai để NLĐ biết và giám sát" - ông Triều góp ý.
Theo ông Phan Lê Vũ, Trưởng Phòng Lao động Xã hội Ban Dân vận Thành ủy TP HCM, việc ký kết thỏa ước có lợi cho NLĐ lẫn DN, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Do vậy, song song với việc tăng cường giám sát việc ký kết thỏa ước, cần ưu tiên bồi dưỡng kỹ năng thương lượng cho đội ngũ cán bộ Công đoàn.
Bình luận (0)