Xung quanh vấn đề lương hưu và tuổi nghỉ hưu, Báo Người Lao Động có Báo Người Lao Động có bài viết "Chật vật với lương hưu" và nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả.
Bạn đọc tên Tuấn chia sẻ: "20 năm trước lương 290.000 đồng/tháng, đóng 60.000 đồng/tháng bảo hiểm. Nếu tính lương bình quân không tính trượt giá vậy để được lương 4 triệu đồng/tháng của hiện tại thì những năm cuối mỗi người phải đóng bao nhiêu để khi chia bình quân được mức lương tối thiểu đó. Xin BHXH trả lời giúp. Giá trị trượt giá không được đưa vào để quy đổi tính lương hưu thì người lao động ngoài khu vực nhà nước không tham gia và rút BHXH 1 lần là lẽ đương nhiên vì sự không công bằng đó.
Tương tự, một bạn đọc tên Khanh góp ý: "Cách tính lương hưu của người lao động ngoài nhà nước cần được tính trượt giá hoặc quy đổi mức lương thời điểm ban đầu hoặc tính lương tối thiểu vùng để nhân chia bình quân tính lương hưu cho phù hợp.
Một bạn đọc đặt vấn đề: "Đúng là đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Nhưng BHXH cũng nên quan tâm đến vấn đề trượt giá để người tham gia BHXH đỡ thiệt thòi. Ví dụ năm 2003 người lao động khối DN FDI tham gia BHXH với mức lương là 487.500 đồng/tháng giá trị của 487.500 đồng lúc đó tương đương với 1 chỉ vàng. Và đến năm 2023, sau 20 năm người lao động khối DN FDI tham gia BHXH với mức lương trung bình khoảng trên 4 triệu đồng nhưng giá trị của trên 4 triệu đồng hiện tại chỉ = 2/3 chỉ vàng. Vì vậy, nếu lấy tổng thời gian tham gia BHXH để làm căn cứ tính tỷ lệ hưởng lương hưu thì người lao động khối DN FDI quá thiệt thòi, 20 năm nhận lương hưu với tỷ lệ 45% tương đương khoảng hơn 1 triệu đồng. Nhưng, nếu NLĐ rút BHXH 1 lần khi tham gia 19 năm, họ sẽ được nhận tầm trên 100 triệu và đem gửi tiết kiệm hàng tháng được nhận lãi với mức 800 đến 900.000đ và họ vẫn còn gốc. Vậy nên lựa chọn rút BHXH một lần và ở lại với hệ thống để chờ nhận lương hưu, người lao động sẽ lựa chọn gì?".
Một bạn đọc tên Hoàng chất vấn: "Vẫn một câu đang làm việc lương thưởng phụ cấp tăng ca....mà vẫn chưa đảm bảo cuộc sống nhà nước phải tăng lương. Đùng cái nghỉ hưu chỉ còn lĩnh vài chục % của bình quân mức lương cơ bản thì sống chật vật là điều đương nhiên. Tại sao BHXH không cân đối tính toán mức đóng, trượt giá....rồi tính lương hưu ở tại thời điểm nghỉ hưu hoặc lấy lương hưu ở thời điểm cao nhất như vậy mới hy vọng người lao động tạm đủ sống".
Cũng theo bạn đọc này, cần thiết nhất hiện nay là nên cơ cấu lại mức đóng, hưởng BHXH. Cứ theo lối mòn xưa củ áp dụng miết không ổn chút nào. Chế độ BHXH nên để mở tỉ lệ đóng, tỉ lệ hưởng thời gian hưởng. Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Khi đạt được các mốc đóng BHXH thì người lao động được quyền nghỉ hưu, được lĩnh lương hưu.
Liên quan đề xuất giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, bạn đọc Nguyễn Văn Huy góp ý: "Tôi 50 tuổi đã 25 năm đóng BHXH rồi. cố thêm 5 năm nữa là 30 năm nếu chốt sổ vẫn phải chờ 7 năm nữa mới đủ 62 tuổi. Tôi chờ bao giờ mới được cầm sổ hưu, giờ đã yếu lắm rồi". Bạn đọc Nguyễn Ngọc Tá bày tỏ: "Công chúc học đại học chính qui đóng 20 năm bảo hiểm từ tuổi 41 đến 61 hưởng lương hưu chỉ 2,5 triệu đồng, vậy hỏi đủ sống không những người làm chính sách".
Bạn đọc Trần Bá Sỹ góp ý: "Không nên cố định tuổi nghỉ hưu, chỉ quy định tuổi tối thiểu nghỉ hưu của người lao động, ví dụ 55 tuổi và đóng BHXH tối thiểu 20 năm là được nghỉ hưu. Lương hưu phụ thuộc vào số năm đóng, mức đóng và tuổi nghỉ hưu". Cùng góc nhìn, bạn đọc Dương Thanh Phượng chia sẻ: "Không nên cào bằng tuổi về hưu vì công việc khác nhau sức khỏe của người lao động cũng vậy. Thời gian đóng bảo hiểm 20 năm 30 năm là hợp lý nhưng tuổi về hưu thì nên để cho người lao động quyết định vì sức khỏe công việc nghỉ sớm thì ít đi tí. Mong rằng những nhà xây dựng luật thấu hiểu của người lao động chân tay".
Bình luận (0)