Cái phẩm chất mà anh bạn muốn tôi giữ gìn là ăn ngay, nói thẳng; không xu nịnh, việc gì có lợi cho tập thể thì làm, việc gì chỉ tư lợi cá nhân thì không màng tới. Anh còn căn dặn: “Khó lắm. Nhiều người dấn thân vào chốn đó thì mình không còn là mình. Người ta có phe phái, ê-kíp, nếu mình không theo thì khó tồn tại”. Tôi cười bảo anh yên tâm vì tính tôi thế nào ai cũng biết, chẳng dễ gì mà thay đổi một sớm một chiều.
Nhưng có lẽ tôi tự tin thái quá. Đúng là có vào “chốn ấy” thì mới thấy mọi sự đảo điên, phải thành trái, trái thành phải. Ban đầu, tôi thấy chuyện bất bình cũng hay lên tiếng vì nghĩ chung quanh có nhiều anh em tốt, họ sẽ ủng hộ. Thế nhưng, tôi ngạc nhiên vì hầu hết đều làm thinh. Có một bậc đàn anh trước đây tôi rất nể trọng vì tính tình thanh liêm, trong sạch nhưng giờ cũng “nhuốm bụi trần”, cũng nhận quà cáp, biếu xén; nói tốt cho người xấu; nói xấu cho người không thuộc phe cánh của mình.
Lâu dần, tôi nhận ra mình lạc lõng giữa chốn ấy. Tôi bắt đầu im lặng. Có những cuộc họp, biết có người bị oan mà tôi không dám lên tiếng bênh vực; thấy có người làm sai mà tôi không dám lên tiếng chỉ trích, phê bình. Tệ hơn, tôi còn làm theo những chỉ đạo mà mình biết là không đúng, như nâng giá vật tư, kê khống danh sách chi tiền hội họp, lễ lạt và còn nhiều thứ khác... Tôi làm những chuyện ấy mà lòng nặng trĩu.
Cho đến cách đây mấy hôm, cô con gái 14 tuổi của tôi làm một bài tập làm văn nói về lòng tự hào. Cháu viết rất tự hào về cha vì đó là một người chính trực, thẳng thắn; luôn bênh vực kẻ sức yếu thế cô và rất nhiều phẩm chất khác mà khi còn là một nhân viên bình thường, tôi đã thể hiện trong mắt cháu. Thú thật, khi con gái đọc cho nghe bài viết, tôi không dám nhìn thẳng vào mắt nó mà cúi mặt để tự vấn lương tâm. Tôi đã làm tổn thương niềm tự hào của con mình.
Những ngày sắp tới với tôi sẽ rất nặng nề. Tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ nơi này nhưng lại ngại sự thay đổi sẽ làm mình khó thích nghi. Đành mượn một câu của tiền nhân cho vơi nỗi lòng: “Làm người quả khó lắm thay!”
Bình luận (0)