Cởi mở, thẳng thắn và giải quyết nhanh các vấn đề nổi cộm là không khí của chương trình tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo quận Tân Bình, TP HCM với công nhân (CN), người lao động (NLĐ) đang lưu trú tại các khu nhà trọ trên địa bàn quận. Chương trình do Quận ủy Tân Bình tổ chức mới đây nhân Tháng CN lần thứ 10.
Giải quyết nhu cầu thiết yếu
Mở đầu chương trình, chị Bùi Thị Phượng, CN Công ty TNHH Kawahara - KCN Tân Bình, bày tỏ: "Tôi làm CN, chồng chở hàng thuê, thu nhập mỗi tháng của vợ chồng chỉ hơn 10 triệu đồng. Vừa phải trả tiền nhà trọ vừa nuôi con nhỏ thế nên làm tháng nào, chúng tôi tiêu hết tháng đó. Vốn đã khó khăn vậy mà những CN nhập cư như chúng tôi phải mua điện, nước với giá quá cao so với người dân TP". Cùng ý này, bà Nguyễn Thị Kiệm - chủ nhà trọ phường 15, quận Tân Bình - cho biết đã đăng ký mua điện, nước đúng giá cho CN nhưng nhiều nhà trọ khác phớt lờ chuyện này để bán cho CN với giá cao hơn. "Nhiều CN nói với tôi khi họ lên tiếng, chủ nhà bảo ở được thì ở, không được thì dọn đi. CN ở quê vào, tìm được một chỗ ở trọ gần nơi làm, tiện cho con cái học hành, họ không muốn chuyển đi chỗ khác. Vì thế, khi nghe chủ nhà tuyên bố, họ đành cắn răng chịu chứ biết làm sao" - bà Kiệm bức xúc.
Còn chị Đỗ Thị Hường, CN Công ty CP May Thành Công, vào TP HCM làm CN và ở trọ gần 10 năm. Thế nhưng, chủ nhà lại không đăng ký KT3 cho chị, việc này rất khó khăn cho con chị đi học. Chị mong muốn: "Qua các phương tiện truyền thông, thấy các hiện tượng bạo hành trẻ tại các nhóm trẻ, trường mầm non, tôi vô cùng lo lắng. Vào trường công lập thì CN không đủ điều kiện, còn gửi con ở các nhóm trẻ tư thục thì đi làm cứ phập phồng. Mong các cấp lãnh đạo tạo điều kiện để con CN được gửi vào các trường công lập".
Trả lời về vấn đề bán điện cho CN, ông Huỳnh Thanh Lâm, Phó Giám đốc Điện lực Tân Bình, cho biết tổng công ty điện lực có chủ trương cứ 4 CN ở trọ được một định mức. "Thực tế có những chủ nhà trọ cố tình không đăng ký định mức cho CN hoặc có đăng ký vẫn bán điện cho CN với giá cao hơn. Nhiều lần nhận được điện thoại của CN phản ánh, chúng tôi đến nhà trọ nhưng không ai làm chứng, không lập được biên bản. Vì thế, CN hãy mạnh dạn đấu tranh với chủ nhà trọ và phản ánh với điện lực các trường hợp bán điện giá cao" - ông Lâm nói. Về vấn đề làm KT3, ông Hồ Minh Hòa, Phó trưởng Công an quận Tân Bình, khẳng định công an quận sẽ liên hệ và làm KT3 cho chị Hường dù chủ nhà có đồng ý hay không.
Công nhân quận Tân Bình, TP HCM mong muốn lãnh đạo Đảng, chính quyền quan tâm đến đời sống người lao động nhiều hơn
Lo chỗ ở, tay nghề cho công nhân
Lắng nghe và trả lời ngay từng vấn đề cũng là điều Ban Giám đốc Công ty CP Cơ khí Tân Thanh (quận Thủ Đức, TP HCM) thực hiện tại chương trình đối thoại giữa ban giám đốc và CN. Ông Lý Dũng, CN trang trí nội thất công ty, cho biết: "Tôi vào công ty làm việc từ những ngày đầu tiên, đến nay được 22 năm, có nhiều đóng góp cho doanh nghiệp. Nhờ làm việc ở công ty, tôi nuôi được con học đại học. Thế nhưng, 22 năm ở TP cũng là 22 năm ở trọ. Nên tôi mong muốn ban giám đốc, Công đoàn (CĐ) công ty tạo điều kiện để những CN gắn bó với công ty được mua nhà trả góp". Không chỉ ông Lý Dũng mà có đến 85% NLĐ của công ty đề xuất doanh nghiệp tạo điều kiện để CN được mua nhà. Anh Nguyễn Văn Linh, thợ sơn, đề xuất ban giám đốc, CĐ tổ chức thi tay nghề hằng năm để nâng lương, nâng bậc cho CN theo đúng khả năng của từng người.
Về vấn đề nhà ở cho NLĐ, bà Trần Diệu Canh, tổng giám đốc công ty, trả lời: "Quan tâm hàng đầu của công ty là thu nhập, nơi ở cho NLĐ. Bản thân tôi luôn trăn trở khi thấy nhiều CN khó khăn về nhà ở, phải thuê mướn tại những khu nhà trọ ẩm thấp, ọp ẹp. Ban giám đốc công ty sẽ cân nhắc để thực hiện vấn đề này. Nhưng trước tiên, chúng tôi có thể thực hiện được là tặng Mái ấm CĐ với những CN gắn bó cùng doanh nghiệp từ 5 năm trở lên". Ông Trần Văn Hùng, chủ tịch CĐ công ty, cho biết công ty đang chuẩn bị tổ chức thi tay nghề trong tháng 6-2018. Những CN đạt trình độ tay nghề giỏi sẽ được cấp chứng chỉ cũng như nâng lương theo đúng bậc thợ của họ.
Bình luận (0)