Theo tất cả các bản hợp đồng đi giúp việc nhà tại Ả Rập Saudi mà chúng tôi có được đều có điều khoản quy định rõ trường hợp người lao động (NLĐ) không được trả lương đúng như cam kết, bị chủ ngược đãi và yêu cầu giải quyết về nước trước hạn… NLĐ sẽ không phải bồi thường và bên đưa đi phải chịu các khoản chi phí bao gồm cả tiền vé máy bay để NLĐ về nước. Tuy nhiên, thực tế lại trái ngược.
Chấp nhận mất tiền oan
Tháng 4-2016, sau 5 ngày đăng ký, chị Lê Thị Dung (tỉnh Thanh Hóa) được Công ty Viwaseen (Hà Nội) đưa đi giúp việc nhà tại Ả Rập Saudi. Theo hợp đồng đã ký, chị Dung được hưởng lương 1.500 SAR/tháng (khoảng 9 triệu đồng tiền Việt); mỗi ngày làm việc không quá 12 giờ; khi ốm đau sẽ được chủ trả tiền khám chữa bệnh… Tuy nhiên, thực tế chị phải làm việc từ 5 giờ sáng hôm nay đến 1-2 giờ sáng hôm sau và chỉ ăn bánh mì thừa, cũ đã được mua nhiều ngày trước đó. Đã vậy, chị còn thường xuyên bị chủ chửi bới, đánh đập. "Nhiều lúc mệt mỏi, ốm đau, tôi vẫn phải cắn răng làm bởi chỉ nói lại một câu là họ túm cổ áo, xô đẩy hoặc đánh đập. Có lần tôi bị ngộ độc thực phẩm, ói ra máu nên cầu xin chủ nhà đưa đi bệnh viện nhưng họ vẫn bỏ mặc. Không những vậy, tôi còn thường xuyên bị giam lương, có đợt bị nợ tới 4 tháng" - chị Dung kể.
Chị Nguyễn Thị Thúy trước khi đăng ký đi giúp việc nhà tại Ả Rập Saudi
Không thể tiếp tục chịu đựng, chị Dung yêu cầu công ty cho về nước trước hạn. Song, dù xác nhận NLĐ bị chủ nợ 4 tháng lương, Công ty Viwaseen vẫn buộc chị Dung phải chịu tiền vé máy bay (700 USD) và trả lại cho chủ nhà 10 triệu đồng đã hỗ trợ trước khi đi. Chưa hết, trước khi về nước, chị Dung còn bị chủ nhà buộc ký giấy từ bỏ 2 tháng lương để bồi thường vì đã phá vỡ hợp đồng trước hạn.
Tương tự, chị Tào Thị Tuyết (tỉnh Thanh Hóa) cũng mất 3.000 USD mới được về nước. Trước đó, vào tháng 3-2017, chị Tuyết đến Công ty CP Đầu tư V.C (Hà Nội) đăng ký đi giúp việc nhà tại Ả Rập Saudi. Ngay ngày đầu tiên ở nhà chủ, chị Tuyết đã bị "sốc" vì công việc không đúng như những gì công ty cam kết. Cụ thể, một mình chị phải phục vụ cho gia đình 7 người, làm việc hơn 12 giờ/ngày nhưng chỉ được cho ăn thức ăn thừa của chủ... Sau 7 tháng làm việc, sức khỏe ngày càng sa sút và thường xuyên bị tức ngực, khó thở, chị Tuyết đề nghị công ty cho về nước chữa bệnh. Ban đầu, công ty yêu cầu chị phải nộp 6.000 USD để bồi thường cho chủ vì phá vỡ hợp đồng. Do chị Tuyết không có đủ tiền nên công ty hạ giá còn 3.000 USD kèm theo điều kiện phải làm theo chỉ dẫn của công ty. "Lúc đầu, họ nói tôi đình công để chủ chán mà trả về cho công ty. Nhưng khi tôi ngừng việc thì bị chủ nhà đánh nên không dám thực hiện nữa. Tiếp đó, họ chỉ tôi giả bệnh, nằm lăn ra đất vờ ngất để chủ nhà sợ mà cho về… Sau hàng loạt chiêu trò công ty bày ra, may mắn là chủ nhà chấp nhận cho tôi về nước" - chị Tuyết nhớ lại.
Tiền mất, tật mang
Cũng chấp nhận mất tiền oan nhưng trường hợp của chị Nguyễn Thị Thúy (tỉnh Thanh Hóa) không được may mắn như các trường hợp trên. Tháng 8-2016, chị Thúy được ông Phùng Văn Hiến, người tự xưng là giám đốc Trung tâm Đào tạo của Công ty Petromanning JSC (Hà Nội), đưa đi giúp việc nhà tại Ả Rập Saudi thời gian 2 năm. Theo hợp đồng ký với công ty, chị Thúy được trả lương 1.500 SAR/tháng, nghỉ ngơi ít nhất 9 giờ/ngày, nghỉ phép 15 ngày/năm và được cung cấp đầy đủ thức ăn, nơi ở… Song, chỉ sau 3 ngày nhận việc, do bất đồng ngôn ngữ, chị Thúy bắt đầu bị vợ con chủ nhà hành hạ, đánh đập và bị ông chủ sàm sỡ. Chưa hết, mỗi ngày chị phải làm việc cật lực từ 6 giờ đến 24 giờ nhưng chỉ được cho ăn 1 bữa/ngày, tiền lương cũng không trả đúng hạn (2 tháng trả 1 lần).
Đau đớn, tủi nhục và sức khỏe bị suy kiệt, chị Thúy nhiều lần đề nghị ông Hiến đổi chủ nhưng không được chấp nhận. Tháng 8-2017, khi sự chịu đựng vượt quá giới hạn, chị Thúy tiếp tục cầu cứu ông Hiến để được về nước. Lần này, ông Hiến đề nghị gia đình chị Thúy phải nộp 75,5 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, ông Hiến đã bày cách cho chị Thúy bỏ trốn vào ngày 21-8-2017 nhưng không đưa về nước mà thả trước cửa Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Saudi. Sau đó, ông Hiến chặn mọi phương tiện liên lạc với chị. Ngày 12-9-2017, sau khi được đại sứ quán cấp giấy thông hành, chị Thúy vào tá túc tại Trung tâm Bảo trợ Khadimat.
Anh Nguyễn Tài Trọng, anh trai chị Thúy, cho biết trong một lần làm việc với Công ty Petromanning JSC, ông Hà Văn Dũng, đại diện công ty, thừa nhận chị Thúy là do công ty đưa đi nhưng lại cho hay ông Hiến không còn là nhân viên của công ty nữa. Công ty cũng không chỉ đạo hay thu bất cứ khoản tiền nào nên không chịu trách nhiệm về khoản tiền gia đình chị Thúy đã nộp cho ông Hiến. Sau đó, anh Trọng quay lại thì công ty đã dọn đi đâu không rõ, điện thoại liên lạc cũng không có tín hiệu. Trong khi đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài của công ty này đã bị cục thu hồi.
Kỳ tới: Cẩn trọng với thị trường Ả Rập Saudi
Bỏ mạng ở xứ người
Ngày 2-8-2016, bà Trần Thị Bình (SN 1963, quê ở Hà Tĩnh) vốn là người khuyết tật nặng đang nhận tiền hỗ trợ từ nhà nước hằng tháng, đã dùng giấy tờ giả mang tên Vương Thị Hoài Thu (SN 1977) để ký hợp đồng đi giúp việc nhà tại Ả Rập Saudi với Công ty CP Xây dựng Nhân lực Gia Vi (Hà Nội). Sau đó ít lâu, bà trốn khỏi gia đình nhà chủ và bị đưa về trại tị nạn tại Al Jawf. Ngày 20-3-2017, bà Bình được đưa vào bệnh viện trong tình trạng có vết sưng trên trán kèm triệu chứng bị phù nề, chảy máu. Ngày 3-4-2017, bà Bình tử vong tại Ả Rập Saudi. Tuy nhiên, mãi đến ngày 13-3-2018, thi hài của bà Bình mới được đưa về Việt Nam sau nhiều tháng cầu cứu khắp nơi của anh Đinh Văn Chính, con trai bà.
Bình luận (0)