Nhiều doanh nghiệp (DN) đã và đang cắt giảm số lượng lớn nhân viên với nhiều lý do, trong đó có không ít lao động chất lượng, trình độ cao. Những người này thường bị gắn với định kiến năng lực yếu kém và đối diện sự phân biệt khi tìm việc làm mới.
Thiếu tự tin
Chị Phạm Thị Ngọc Hà (cử nhân kinh tế) làm việc tại một công ty trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM gần 1 năm thì bị DN cắt giảm lao động do gặp khó khăn. Ngọc Hà cho biết mỗi lần đi phỏng vấn tìm việc mới, câu hỏi khiến chị đau đầu nhất là lý do nghỉ việc.
"Nếu nói bị cắt giảm lao động, tôi sợ bị nhà tuyển dụng đánh giá thấp năng lực; còn chống chế bằng cách khác thì lo bị phát hiện nói dối hoặc nhận xét thời gian làm việc quá ngắn, không gắn bó với công ty" - chị Ngọc Hà bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Trưởng Ban Tuyển dụng IT - Công ty CP VCCorp (giữa), cập nhật quy trình tuyển dụng cho nhân viên
Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP HCM, anh Phạm Việt Anh vào làm chuyên viên thiết kế cho một công ty năng lượng ở quận Phú Nhuận. Làm chưa hết thời gian thử việc thì anh nhận được thông báo công ty sẽ không ký hợp đồng lao động do thay đổi công nghệ. Sợ bị thiếu thiện cảm từ nhà tuyển dụng mới, trong hồ sơ xin việc, anh không nêu mình từng có kinh nghiệm làm chuyên viên thiết kế.
"Tôi có thể giải thích khoảng trống nghỉ việc dài bằng lý do đi học ngoại ngữ hay giải quyết chuyện gia đình. Điều đó khiến tôi thoải mái và tự tin hơn so với việc thừa nhận mình bị cắt giảm lao động" - anh Việt Anh thừa nhận.
Lo ngại, khó xử, lúng túng là tâm trạng chung của nhiều người cùng hoàn cảnh như chị Ngọc Hà, anh Việt Anh. Điều này phần nào cho thấy vẫn tồn tại cảm giác nghi ngại nhất định đối với những nhân sự từng bị mất việc.
Các chuyên gia cho rằng có nhiều lý do khiến DN cắt giảm nhân sự - như: thay đổi cơ cấu, công nghệ, gặp khó khăn… - chứ không nhất thiết từ hiệu suất làm việc của họ. Thời gian qua, không ít DN hoạt động cầm chừng, tiết giảm tối đa chi phí. Vì thế, nhân viên phòng ban, bộ phận nào có chi phí vận hành lớn, không trực tiếp tạo ra lợi nhuận thì có thể bị cho nghỉ việc. Ngoài ra, dự án dừng đầu tư, nhân viên sắp hết hạn hợp đồng lao động... cũng là các yếu tố được cân nhắc.
Quyết định cắt giảm nhân sự thường được đưa ra dựa vào nhiều yếu tố, quan điểm và thời điểm khác nhau của DN. Vậy nên, lao động bị cắt giảm không đồng nghĩa với việc năng lực kém hay làm việc thiếu hiệu quả.
Cởi mở với ứng viên
Theo bà Nguyễn Huỳnh Như Thủy, nguyên Giám đốc Nhân sự Khách sạn Le Méridien Saigon - Tập đoàn Marriott International (Mỹ), nhiều nhà tuyển dụng vẫn có tâm lý e dè khi phỏng vấn ứng viên từng bị mất việc. DN có thể lo ngại người từng mất việc bất an về tài chính, dễ dẫn tới tình trạng căng thẳng, mất thời gian dài để đạt hiệu suất làm việc tốt nhất. Sau biến cố công việc, ứng viên suy nghĩ có phần tiêu cực cũng có thể bị cân nhắc loại bỏ.
Bà Thủy cho rằng ứng viên nên chấp nhận điều này, hướng tới tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp hơn. "Thay vì quá đặt nặng việc mình là người bị cho nghỉ việc, ứng viên cần dành thời gian cân bằng cảm xúc, chuẩn bị kỹ lưỡng để xuất hiện tự tin trước nhà tuyển dụng" - bà Thủy nhìn nhận.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Trưởng Ban Tuyển dụng IT - Công ty CP VCCorp (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), nhấn mạnh để tuyển dụng đạt hiệu quả, cần hiểu biết về ứng viên và đánh giá khách quan. Do đó, nhà tuyển dụng nên có thái độ cởi mở, xem xét dựa vào tiềm năng của ứng viên đối với vị trí đang cần.
Với ứng viên, nên trung thực và giải thích ngắn gọn lý do nghỉ việc nếu được hỏi; tránh lời lẽ tiêu cực, thù hận về công ty hoặc đồng nghiệp cũ. Thay vào đó, tập trung rút kinh nghiệm cho bản thân và những kế hoạch trong tương lai. Ứng viên cần bắt đầu với góc nhìn tích cực, chú trọng kỹ năng và thành tích đã đạt được. Bằng cách đó, ứng viên có thể chuyển hướng cuộc phỏng vấn và nhấn mạnh về giá trị đóng góp của mình cho công ty mới.
Ứng viên cũng cần chuẩn bị sẵn thông tin về "người tham khảo" trong hồ sơ xin việc (như quản lý, đồng nghiệp ở công ty cũ…), bởi những đánh giá khách quan về họ có thể giúp giảm bớt mối lo ngại và xây dựng niềm tin với nhà tuyển dụng mới. Ứng viên nên tận dụng mối quan hệ để gia tăng cơ hội mới và có thể nhận được hỗ trợ cần thiết khi tìm việc.
Quan trọng hơn, ứng viên nên đầu tư cho bản thân. "Khi trao đổi, ứng viên có thể liệt kê những kỹ năng, kiến thức, hiểu biết, chứng chỉ hoặc bằng cấp đào tạo mà mình đã, đang hoặc dự tính học sau khi nghỉ việc. Cần chứng tỏ sự chủ động và sẵn sàng học hỏi trong môi trường làm việc mới để tạo ấn tượng và thiện cảm với nhà tuyển dụng" - bà Mai tư vấn.
Cắt giảm nhân sự gây căng thẳng
Theo Anphabe (công ty tư vấn về nhân lực; quận 1, TP HCM), cắt giảm nhân sự còn tác động tiêu cực tới những nhân sự ở lại - nhóm chiếm tỉ lệ stress cao nhất, với 43%.
Các nguyên nhân chính khiến người lao động căng thẳng gồm: lo lắng bị thay thế bởi nguồn lao động rẻ hơn; thiếu trao quyền; khối lượng công việc lớn, thời hạn gấp gáp; quá nhiều thay đổi trong tổ chức và lương, thưởng thấp hơn kỳ vọng.
Bình luận (0)