xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

CƠ HỘI NÀO CHO LAO ĐỘNG MẤT VIỆC, THIẾU VIỆC? (*): Hỗ trợ cần căn cơ, lâu dài

Bài và ảnh: GIANG NAM

Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu điều kiện, tiêu chuẩn, thời gian, ngành nghề đào tạo... của người lao động để chính sách hỗ trợ thực sự phát huy hiệu quả

Những chính sách chăm lo đời sống người lao động (NLĐ) và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua thời điểm khó khăn đã được Chính phủ ban hành nhanh chóng, bám sát yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện những chính sách này không tránh khỏi một số hạn chế nhất định.

Nới lỏng điều kiện hỗ trợ

Nhiều chuyên gia đánh giá lao động - việc làm trong 2 năm qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Những tháng cuối năm 2022, thị trường lao động một lần nữa gặp "cú sốc" khi không ít DN bị giảm đơn hàng, dẫn đến nhiều người phải mất việc, giãn việc. Do đó, chính sách hỗ trợ căn cơ, lâu dài dành cho DN và NLĐ cần được tính đến.

TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, cho rằng để thị trường lao động vận hành linh hoạt, hiệu quả, cần phải nắm được dữ liệu thông tin của NLĐ và thị trường lao động. Do đó, Chính phủ và các bộ, ngành quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp phát triển thị trường lao động bền vững, xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu để cân đối cung cầu lao động.

CƠ HỘI NÀO CHO LAO ĐỘNG MẤT VIỆC, THIẾU VIỆC? (*): Hỗ trợ cần căn cơ, lâu dài - Ảnh 1.

Đào tạo nghề trong doanh nghiệp là giải pháp cần thiết với người lao động trong thời gian mất việc, thiếu việc

Theo bà Hương, đó là giải pháp lâu dài. Còn trước mắt, các bộ, ngành, địa phương cần sớm giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho hơn 624.000 lao động đang bị ảnh hưởng do DN khó khăn.

Với tình hình hiện nay, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, mong muốn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng, tương tự Nghị quyết 68/2021 vừa được tổng kết.

"Trước mắt, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất gói hỗ trợ một lần cho nhóm lao động mất việc với mức 3 triệu đồng/người; lao động bị tạm chấm dứt hợp đồng nhận một lần 2 triệu đồng/người. NLĐ bị cắt giảm việc làm, có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cũng cần được hỗ trợ. Việc này cần thực hiện trước Tết Nguyên đán 2023" - ông Phan Văn Anh đề xuất.

Theo dự báo của VCCI, quý I hoặc quý II/2023, DN tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đơn hàng sụt giảm; số lượng NLĐ bị mất việc, giảm việc sẽ tiếp tục tăng. Do vậy, cần tận dụng giai đoạn DN cho lao động ngừng việc, giãn việc để tổ chức đào tạo lại, chờ phục hồi sản xuất. Cần có giải pháp mới hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho NLĐ sau Nghị quyết 68. Rút kinh nghiệm từ các gói hỗ trợ trước, chính sách lúc này cần đột phá với điều kiện được nới lỏng hơn. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ điều kiện, tiêu chuẩn, thời gian, ngành nghề đào tạo... của NLĐ để gói hỗ trợ thực sự phát huy hiệu quả.

Trao "cần câu" cho người lao động

VCCI cũng kiến nghị trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để giữ việc làm cho NLĐ. Bởi lẽ, nguồn quỹ này hằng năm chủ yếu do NLĐ và DN đóng góp.

Việc hỗ trợ trực tiếp chi phí để DN đào tạo lại hoặc nâng cao tay nghề cho NLĐ trong thời gian này là rất phù hợp nhằm giữ việc làm thay vì để họ phải về quê. NLĐ sẽ được tham gia các khóa đào tạo phù hợp với những vị trí việc làm mà DN đang thiếu hụt. Sau này, khi đơn hàng trở lại, DN đã có sẵn nhân sự, không phải tuyển mới.

Theo ông Trần Tuấn Tú, Trưởng Phòng BHTN - Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), thời gian qua, chính sách BHTN đã làm tốt vai trò hỗ trợ người thất nghiệp thông qua việc trợ cấp thất nghiệp (TCTN), hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm… Tuy nhiên, chính sách này chỉ tập trung cho lao động khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp với lao động khu vực phi chính thức, còn nặng về giải quyết TCTN.

Ông Tú cho biết nhiều nơi chưa chú ý đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho NLĐ thất nghiệp. Mức hỗ trợ học nghề hiện nay chưa đáp ứng được học phí của các cơ sở đào tạo, NLĐ phải bỏ thêm một phần chi phí nên rất khó khăn.

"Cục Việc làm đang nghiên cứu để đề xuất các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan theo hướng nâng mức hỗ trợ học nghề cho lao động hưởng TCTN; xây dựng danh mục nghề nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của DN và nguyện vọng của NLĐ" - ông Tú thông tin.

Bà Lương Tú Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nodex Asia (quận 1, TP HCM), cho rằng chính sách hỗ trợ học nghề, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ khi hưởng BHTN cần được tính toán lại. Thay vì gợi ý các nghề có sẵn, không phù hợp với nhu cầu của NLĐ, các trung tâm dịch vụ việc làm, cơ quan giải quyết hưởng TCTN nên liên kết với các DN. Tại DN, NLĐ có cơ hội cọ xát thực tế với công việc mà mình mong muốn, được đào tạo cả lý thuyết lẫn thực hành do người của DN hướng dẫn nên sẽ nhanh chóng nắm bắt được. DN vì thế cũng tuyển được nhân sự mình cần.

"Đây là xu hướng mà các DN đang thực hiện để đào tạo và tuyển dụng. NLĐ thất nghiệp nếu được giới thiệu đến DN phù hợp nguyện vọng thì họ sẽ có được cơ hội việc làm dài lâu" - bà Tú Anh nhìn nhận.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-12

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo