Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó hạn chế về trình độ nghề nghiệp được xem là một rào cản đáng kể. Vấn đề đặt ra nhằm tìm kiếm những giải pháp, chính sách hiệu quả hơn cho phụ nữ trong quá trình tìm kiếm việc làm.
Quá ít cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp
Nghiên cứu về việc làm của lao động nữ (LĐN) chỉ ra những bất lợi của phụ nữ thường gặp phải, nhiều người bị cho nghỉ việc với lý do cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt.
Trong số LĐN từ sau tuổi 35 - 45 tuổi bị thất nghiệp, có đến 59,6% là lương thấp không đủ sống; áp lực công việc chiếm 39,1% và bị thôi việc, bị đuổi việc là 22,65%. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tuổi càng tăng thì khả năng mất việc làm càng lớn. Sau thất nghiệp ở độ tuổi từ 40 - 45, có tới 2/3 phụ nữ làm công việc nội trợ gia đình, công việc tự do, chỉ có hơn 27% buôn bán nhỏ và hơn 13% lao động nữ quay trở lại làm nông nghiệp.
Vấn đề được xác định nguyên nhân bởi họ hầu như không có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp. Theo đánh giá của chuyên gia, tình trạng sa thải LĐN sau 35 tuổi diễn ra khá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống người lao động và gia đình họ. Các ngành nghề thường hay đào thải lao động chủ yếu ở lĩnh vực may mặc, giày da, thủy sản, lắp ráp điện tử… Có thể nhận thấy, thực tế trên thị trường lao động người phụ nữ vẫn đang bất lợi hơn so với nam giới trong quá trình tìm kiếm việc làm bền vững. Ngay cả khi Bộ Luật Lao động có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp (DN) sử dụng nhiều NLĐ, nhưng thực tế triển khai luật còn nhiều vướng mắc nên vẫn không khuyến khích DN. Một số quy định của Bộ Luật Lao động còn phân biệt đối xử đối với lao động nữ, trong đó về chính sách đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm sau học nghề chưa xóa bỏ được định kiến giới trong định hướng nghề nghiệp và lựa chọn ngành nghề đào tạo, điều này đang làm giảm đi những cơ hội việc làm cho LĐN.
Nâng cao nhận thức về đào tạo nghề
Theo các chuyên gia lao động, việc đào tạo bổ sung và đào tạo chuyển đổi cho những lao động này là rất cần thiết để họ có cơ hội tìm kiếm việc làm mới.
Tuy nhiên, làm thế nào để người lao động tham gia vào các chương trình đào tạo nghề và các chương trình này gắn với nhu cầu thị trường lại là một vấn đề còn nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trung tâm mở nhiều lớp chuyển đổi nghề cho lao động mất việc làm, được hỗ trợ một phần kinh phí cho người đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ thời gian, nhưng tỷ lệ đăng ký học nghề hàng năm vẫn còn thấp.
Nguyên nhân lao động thất nghiệp không mặn mà với học nghề bởi một khóa đào tạo nghề từ 3 đến 6 tháng chưa thể đảm bảo vững chắc cho họ, trong khi đó, một chuyên môn nghề nghiệp cần được đào tạo ít nhất 18 tháng. Nếu học những ngành nghề ngắn hạn như nấu ăn, pha chế đồ uống… những lao động ở độ tuổi 30 vẫn có thể kiếm được việc làm; nhiều LĐN cũng tính đến nhu cầu xin làm nghề giúp việc gia đình. Song điều họ mong muốn là được tham gia thị trường lao động chính thức, tiếp tục đóng BHXH, để bảo đảm cuộc sống sau này.
Bên cạnh việc thúc đẩy các chính sách hỗ trợ LĐN tiếp cận với thị trường lao động, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, các chuyên gia cũng khuyến khích người LĐN mạnh dạn hơn trong quá trình tìm kiếm việc làm, tự khẳng định năng lực bản thân và luôn tích cực, chủ động cho chính mình để sẵn sàng thay đổi.
Người lao động cần nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao tay nghề, trình độ, ý thức để về cơ bản, phải luôn đáp ứng được nhu cầu sử dụng để có việc dài hạn trong doanh nghiệp.
Bình luận (0)