Năm 2017, các cấp Công đoàn (CĐ) tiếp tục dồn sức thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động (NLĐ)”. Theo khảo sát vừa công bố của Tổng LĐLĐ Việt Nam, cả nước hiện có 25.545 doanh nghiệp (DN) tổ chức bữa ăn giữa ca cho NLĐ (chiếm 58,7% tổng số DN có tổ chức CĐ). Trong đó, 18.248 DN có mức ăn giữa ca từ 15.000 đồng trở lên. Đặc biệt, có 1.085 CĐ cơ sở đối thoại, thương lượng thành công nâng giá trị bữa ăn giữa ca của 311.631 NLĐ từ 15.000 đồng trở lên. Những nỗ lực của CĐ các cấp đã góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn cho nhiều NLĐ, góp phần bảo đảm sức khỏe, duy trì năng suất lao động.
Trực tiếp tham gia chọn nhà thầu
Tại TP HCM, chủ động giám sát chất lượng bữa ăn giữa ca vẫn là ưu tiên hàng đầu của các cấp CĐ, nhất là ở những DN có đông công nhân (CN). Số lượng CN càng nhiều đòi hỏi việc giám sát chất lượng bữa ăn càng phải nghiêm ngặt để tránh rủi ro, bảo đảm sức khỏe cho NLĐ. Một trong những đơn vị điển hình là Công ty TNHH Shing Việt (100% vốn nước ngoài; quận Thủ Đức, TP HCM).
Tại Công ty TNHH Shing Việt, CĐ cơ sở được tham gia trực tiếp vào quá trình chọn nhà thầu cung cấp suất ăn công nghiệp. Với lợi thế này, đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở sẽ có điều kiện tìm hiểu kỹ các đơn vị bỏ thầu và góp ý với ban giám đốc. Đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh còn phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khác về nguồn gốc thực phẩm, sức khỏe nhân viên bếp...
“Định kỳ 6 tháng/lần, nhà thầu phải cung cấp cho công ty kết quả khám sức khỏe định kỳ của nhân viên phục vụ và đây là yêu cầu bắt buộc. Ngoài lưu mẫu thức ăn (24 giờ theo quy định), CĐ cơ sở sẽ thu thập ý kiến CN về thực đơn để góp ý với nhà thầu điều chỉnh nhằm giúp CN ngon miệng hơn” - bà Nguyễn Thị Thúy Vân, chủ tịch CĐ công ty, cho biết. Hiện suất ăn tại công ty là 15.000 đồng/suất và thực đơn được thay đổi thường xuyên, nhờ vậy rất ít khi bị CN phàn nàn về chất lượng.
Tổ chức nấu ăn cho công nhân
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ tư vấn, các CĐ cơ sở còn hỗ trợ DN hoàn thiện chương trình phối hợp giám sát nhằm bảo đảm không để xảy ra ngộ độc tập thể do chất lượng bữa ăn giữa ca không bảo đảm. Một trong những đơn vị điển hình là CĐ Công ty TNHH Giày da Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM).
Với mục tiêu chăm sóc lâu dài sức khỏe cho CN, mới đây, Ban Giám đốc Công ty TNHH Giày da Vĩnh Phong đã đầu tư 250 triệu đồng nâng cấp toàn bộ căng-tin. Được ban giám đốc tin tưởng giao quản lý căng-tin, CĐ cơ sở đứng ra tổ chức nấu ăn tại chỗ cũng như giám sát chất lượng bữa ăn hằng ngày. Các vấn đề liên quan như lưu mẫu thực phẩm và kiểm tra sức khỏe định kỳ cho nhân viên nấu bếp luôn được thực hiện nghiêm ngặt. Cũng như Công ty TNHH Shing Việt, mỗi suất ăn chỉ khoảng 15.000 đồng nhưng luôn bảo đảm vệ sinh; thực đơn được thay đổi thường xuyên để CN luôn thấy ngon miệng. CĐ cơ sở còn lập hộp thư góp ý để CN phản ánh về chất lượng bữa ăn; những thiếu sót dù nhỏ cũng sẽ được CĐ cơ sở lập tức chấn chỉnh.
Ở một số DN lớn như Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân (quận Bình Tân), Công ty TNHH Everwin (KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức), CĐ cơ sở luôn phối hợp chặt chẽ với ban giám đốc trong việc giám sát nhà thầu cung cấp suất ăn công nghiệp, từ việc làm rõ nguồn gốc thực phẩm đến quy trình chế biến, khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên bếp. Theo ông Đinh Văn Giai, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Everwin, chủ động giám sát, kiểm tra chính là cách hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn giữa ca.
Bình luận (0)