Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu, với nhiều điểm mới theo qui định của Bộ Luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình, kể từ năm 2021 tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.
Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Người lao động hưởng lương hưu trước ngày 1-1- 2021 thì điều kiện hưởng lương hưu vẫn thực hiện theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật BHXH
NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu bình thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cụ thể, năm 2021, NLĐ thuộc đối tượng này sẽ nghỉ hưu ở 55 tuổi 3 tháng với nam, còn nữ đủ 50 tuổi 4 tháng.
Cán bộ, công chức và những người được bổ nhiệm chức vụ, chức danh quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Nghị định này có thể được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn vẫn tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Thời gian nghỉ hưu cao hơn này không được quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu thông thường.
Việc quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn phải bảo đảm: Khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định; Cơ quan có nhu cầu sử dụng; Cá nhân có nguyện vọng, đủ sức khỏe và không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành kỷ luật về đảng, chính quyền.
Trong thời gian thực hiện chính sách nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nếu cán bộ, công chức có nguyện vọng nghỉ làm việc thì được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật, không phụ thuộc vào điều kiện về tuổi hưởng lương hưu tại thời điểm nghỉ hưu.
Người lao động hưởng lương hưu trước ngày 1-1- 2021 thì điều kiện hưởng lương hưu vẫn thực hiện theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật BHXH
Với NLĐ vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện, Dự thảo quy định NLĐ có tổng thời gian đóng BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 219 của Bộ luật Lao động và Điều 3 của Nghị định này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.
Đối với NLĐ có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu được thực hiện theo các điểm a, b khoản 1 Điều 219 của Bộ Luật Lao động và Điều 3, Điều 4 của Nghị định này.
Đối với lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khỉ nghỉ việc có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH bắt buộc và đủ tuổi nghỉ hưu quy định tại Bộ Luật Lao động mà bảo lưu thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thì được hưởng lương hưu khi có yêu cầu.
Dự thảo cũng nêu rõ, NLĐ hưởng lương hưu trước ngày 1-1- 2021 thì điều kiện hưởng lương hưu vẫn thực hiện theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật BHXH. NLĐ hưởng lương hưu sau thời điểm này trở đi thì điều kiện hưởng lương hưu theo quy định mới. Với trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu tháng 12-2020 và hưởng lương hưu từ ngày 1-1- 2021 thì vẫn thực hiện theo quy định hiện nay. Dự kiến, Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1- 2021.
Bình luận (0)