Mục tiêu tổng quát của việc cải cách chính sách BHXH là để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Một trong những nội dung đáng chú ý của đề án cải cách chính sách BHXH đó là điều chỉnh tăng tuổi hưu theo lộ trình.
Điều chỉnh tăng từ năm 2021
Đề án cải cách BHXH trình Hội nghị Trung ương 7, khoá XII vừa qua có hơn 10 điểm mới về chính sách BHXH so với hiện nay. Những điều chỉnh này có tính quyết định nhằm giúp hệ thống bảo hiểm xã hội vận hành mạnh mẽ, hoạt động có tính hiệu quả hơn.
Nội dung cải cách bao gồm: Sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt đồng thời với việc điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác…
Việc điều chỉnh tăng tuổi hưu sẽ không thực hiện "cào bằng"
Thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động, bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số, bình đẳng giới, cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn, xu hướng già hóa dân số, tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực.
Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.
Rút ngắn nhưng không gây sốc
Theo các nhà nghiên cứu chính sách việc điều chỉnh tuổi hưu theo hướng tăng dần là giải pháp bắt buộc. Quy định tuổi nghỉ hưu hiện hành đã được ban hành từ năm 1960, khi tuổi thọ bình quân của người Việt Nam mới hơn 40 tuổi. Hiện nay, tuổi thọ của nam giới đã lên mức 78 tuổi, nữ giới là 79,5 tuổi (mức thọ bình quân cao nhất khu vực).
Mặc dù tuổi thọ trung bình và kỳ vọng sống đều tăng, nhưng tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế của Việt Nam lại thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực (bình quân tuổi nghỉ hưu là 54,3 với 55,6 tuổi đối với nam, 52,6 tuổi đối với nữ). Trong khi đó, tuổi bình quân đóng bảo hiểm xã hội của nam là 28 năm, hưởng lương hưu là 22,5 năm; Nữ đóng bình quân 23 năm, hưởng lương hưu là 27 năm. Mức đóng bình quân cả nam và nữ vào BHXH là 22% và mức hưởng bình quân tới 70%, một số người hưởng cao tới 75%.
Theo kinh nghiệm quốc tế, nếu đóng 40 năm thì hưởng 20 năm mới bảo đảm bền vững quỹ. Ở Việt Nam đang đi ngược lại quy luật chung, đóng thời gian ngắn nhưng hưởng dài, đóng ít nhưng hưởng nhiều. Bàn về những thay đổi chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội phương án cụ thể để điều chỉnh nâng tuổi hưu. Việc điều chỉnh tuổi hưu cũng không có chuyện "cào bằng". Không phải tất cả lao động ở các ngành nghề lĩnh vực đều nghỉ hưu ở tuổi 60 đối với nữ và 62 đối với nam.
Về lộ trình, việc áp dụng độ tuổi nghỉ hưu mới dự kiến từ năm 2021. Theo đó, lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu theo chế độ này là vào năm 2026. Về tốc độ tăng, khả năng lao động nam cần 8 năm và lao động nữ cần 20 năm mới nghỉ hưu đúng ở tuổi 60 và 62. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh cụ thể tỉ lệ tuổi hưu, tốc độ tăng sẽ được cụ thể hoá trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012.
Bình luận (0)