Đánh vào tâm lý đầu năm nhiều người muốn thay đổi công việc, môi trường làm việc, trong đó có nhiều người quen với cách làm việc tại nhà do dịch bệnh, muốn kiếm thêm thu nhập..., là cơ hội cho những kẻ lừa đảo giấu mặt ra tay. Những kẻ lừa đảo còn nhắm đến các bà mẹ bỉm sữa, nữ công nhân nhẹ dạ, sinh viên muốn làm thêm.., nên liên tục chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Google với những nội dung: "Shopee, Lazada, Tiki, Sendo tuyển cộng tác viên bán hàng ảo để tăng lượng đơn hàng", "nhận đánh giá tốt trên các sàn thương mại điện tử cho các shop kinh doanh online"... Yêu cầu tuyển dụng rất đơn giản, chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính cá nhân và tài khoản ngân hàng...
Mua hàng ảo, mất tiền thật
"Mồi" hấp dẫn nhất và cũng đánh trúng tâm lý nhất mà những kẻ lừa đảo ẩn danh đưa ra nhử chính là mua hàng trực tuyến nhưng không cần nhận hàng, kinh doanh nhưng không phải ôm hàng mà lợi nhuận rất cao, thù lao được trả hằng ngày. Đây quả thật là một công việc trong mơ của nhiều người có máu kinh doanh online.
"Công việc chính quy, trả lương theo ngày. Chào mừng năm 2022, cơ hội làm việc trên điện thoại nhận lương 10 triệu đến 30 triệu đồng/tháng đang chờ bạn. Chỉ cần trên 23 tuổi, liên hệ ngay với Zalo ID zalo.me/84927xxx". Đó là nội dung tin nhắn tuyển dụng mà chị Lê Thị Thu H. (25 tuổi, quê Gia Lai) nhận được sau kỳ nghỉ Tết. Với nhiều người, đây rõ ràng là tin nhắn rác và chẳng quan tâm làm gì. Nhưng với chị H. - người đang mất việc làm còn nuôi con - lại là một cơ hội tốt. Sau khi làm theo hướng dẫn, chị H. đã đồng ý trở thành cộng tác viên bán hàng của một gian hàng ảo trên mạng có tên Shop... Công việc của chị là chốt mua một món hàng ảo theo link (đường dẫn) mà đối tượng lừa đảo gửi nhưng không cần nhận hàng. Sau khi giao dịch thành công, chị H. sẽ được hoàn lại số tiền bỏ ra mua hàng và nhận thêm từ 10% đến 20% hoa hồng trên tổng số tiền của đơn hàng đó. "Sau khi họ hướng dẫn tôi cách làm việc, thao tác mua hàng, chuyển khoản và cung cấp tài khoản ngân hàng để họ thanh toán tiền gốc và hoa hồng, tôi thấy làm rất được. Có ngày tôi kiếm được 800.000 đồng. Thấy công việc dễ kiếm tiền mà cũng nhàn nên tôi cứ như thế làm cho đến khi mất sạch tiền tiết kiệm và cả tiền mượn mẹ. Giờ tiền mua sữa cho con cũng chẳng còn" - chị H. thở dài.
Thấy chị H. đã "cắn câu", kẻ lừa đảo bắt đầu "xuất chiêu" tính điểm thưởng để gia tăng thu nhập cho người mua hàng ảo. Những đơn hàng sau đó từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng sau khi mua, chốt đơn, chuyển tiền thanh toán nhưng không được hoàn trả như cam kết. Kẻ lừa đảo "động viên", chúc mừng H. đang được 95 điểm thưởng, còn 5 điểm nữa là sẽ nhận được mức thưởng tuần lên đến 10 triệu đồng. "Họ cứ nói rằng nếu nhận hoa hồng đơn thuần thì kiếm được ít hơn. Nên hoàn thành điểm số để gia tăng tiền thưởng. Cách họ nói và những người trong hệ thống nhắn tin qua lại làm tôi tin tưởng sẽ sớm hoàn thành nhiệm vụ và kiếm thêm được 10 triệu đồng ngoài tiền hoa hồng. Không đủ tiền chi trả đơn hàng, tôi mượn tiền mẹ để hoàn thành 100 điểm. Khi đó số tiền tôi bỏ ra mua hàng mà chưa nhận được hoa hồng đã lên đến 98 triệu đồng" - chị H. kể lại.
Vì thiếu hiểu biết, nhiều người đã mất hàng trăm triệu đồng cho việc làm ảo. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: NHƯ HUỲNH
"Cày view" và cái kết
Có công việc nghe chừng rất đơn giản, đó là chỉ cần ngồi xem các video, đọc tin tức thì tiền sẽ tự động vào tài khoản. Chiêu lừa đảo này xuất hiện đánh vào tâm lý của nhiều người tìm đến những kênh giải trí trên mạng xã hội, đặc biệt là YouTube, TikTok... Dựa trên nhu cầu có thật về việc tăng lượt xem (view), lượt theo dõi (follow) các video nhằm mục đích quảng cáo hoặc tăng độ đánh giá (rating) của kênh, một số đối tượng đã nhân cơ hội này để thực hiện các phi vụ lừa đảo.
Kẻ lừa đảo sẽ chọn những người có thời gian rảnh, có mong muốn kiếm thêm thu nhập để lừa đảo chiếm đoạt thời gian, tiền bạc. Công việc của "con mồi" khá đơn giản, đó là chỉ cần ngồi một chỗ, xem video, đọc tin tức trên mạng là sẽ có tiền. Kẻ lừa đảo cam kết cứ xem 10 giây thì được 50 đồng. Mỗi ngày người làm công việc này được cung cấp hàng trăm video để gia tăng thu nhập. Tuy nhiên, để làm loại công việc này, người được tuyển dụng phải đóng vài trăm ngàn đồng gọi là phí kích hoạt tài khoản. Thấy khoản phí này cũng không đáng là bao so với những lời hứa hẹn kiếm tiền triệu mỗi ngày từ việc xem video, nhiều người đã sập bẫy. Theo phản ánh của nhiều nạn nhân, sau thời gian tích cực "cày view", họ liên hệ với đầu mối thuê để nhận tiền nhưng chẳng ai nhận được đồng nào, "sàn" giao dịch việc làm ảo này cũng âm thầm đóng cửa hoặc chuyển qua một website khác để tìm "con mồi" mới.
Theo luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP HCM), thực tế không hề có "việc nhẹ lương cao" nào cả, thực chất đây chỉ là những chiêu trò của các đối tượng lừa đảo để chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ, cả tin. Ngoài những chiêu lừa đảo như trên thì một số hành vi có dấu hiệu lừa đảo tìm việc mà người tìm việc cần thận trọng như: thu tiền làm hồ sơ tuyển dụng, đặt cọc tiền trước khi chính thức nhận việc, bắt đóng tiền mở tài khoản trả lương, yêu cầu liên kết tài khoản ngân hàng với app (ứng dụng) trả lương.
Tin nhắn lừa đảo việc làm tinh vi
Ông Ngô Tuấn Anh - Phó Giám đốc phụ trách an ninh mạng của Tập đoàn BKAV - cho rằng các hình thức, thủ đoạn lừa đảo việc làm gần đây thường tinh vi khi dựa vào tình hình thông tin xã hội, kinh tế để xây dựng kịch bản đánh vào sự cả tin, nhẹ dạ của người tìm việc. Vì vậy, mọi người cần hết sức cảnh giác khi nhận được các thông tin không rõ nguồn gốc.
Kỳ tới: Trượt dài trong bẫy lừa đảo
Bình luận (0)