Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM và LĐLĐ TP HCM đã có buổi tiếp xúc với cử tri là công nhân - lao động, chủ doanh nghiệp (DN) góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vào chiều 18-10. Qua đó, nhiều vấn đề trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã được đại biểu mổ xẻ, bàn thảo như 2 phương án đề xuất rút BHXH một lần, sự chênh lệch thời gian đóng - hưởng của người lao động (NLĐ) nam và nữ, gia tăng các quyền lợi của NLĐ khi về hưu...
Tránh gây sốc
Về 2 phương án đề xuất rút BHXH một lần, hầu hết NLĐ, cán bộ Công đoàn, lãnh đạo DN đều chọn phương án 1, cụ thể là nhóm tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến trước ngày 1-7-2025) sẽ được rút BHXH một lần. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Đây cũng được xem là phương án tối ưu và đáp ứng nguyện vọng của NLĐ nhất tính đến thời điểm hiện tại.
Tư vấn chính sách BHXH cho người lao động tại quận 7, TP HCM .Ảnh: HUỲNH NHƯ
Liên quan đến vấn đề này, nhiều đại biểu phản ánh hiện rất nhiều NLĐ xin nghỉ 1 năm để rút BHXH một lần trước khi Luật BHXH (sửa đổi) thông qua dự kiến vào năm 2024. Nếu điều đó xảy ra, NLĐ không đi làm việc sẽ khiến tình hình hoạt động của DN bị xáo trộn. Theo ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân), nếu chọn phương án 2, NLĐ được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng.
Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH chắc chắn NLĐ sẽ bị sốc vì hạn chế quyền lợi của họ. Mặt khác, cơ quan BHXH cũng sẽ khó lường trước được sẽ có bao nhiêu NLĐ sẽ rút một lần, có thể xảy ra làn sóng ồ ạt nghỉ trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực.
Bởi theo ông Nghiệp, hiện tâm lý NLĐ vẫn nghiêng về rút BHXH một lần nên kể cả khi có đề xuất giảm số năm tối thiểu đóng BHXH để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm cũng không đủ hấp dẫn họ. Vì vậy, cùng với việc tôn trọng quyền lựa chọn của NLĐ (đối với nhóm tham gia BHXH trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực) thì cần phải gia tăng các quyền lợi của NLĐ khi về hưu.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Thương mại Xây dựng Đại Dũng (KCN An Hạ, huyện Bình Chánh), cho biết hầu hết NLĐ tại công ty đều lựa chọn phương án 1. Tuy nhiên, nếu phương án này được thông qua, DN sẽ phải sớm có giải pháp tuyên truyền cho NLĐ mới tham gia thị trường lao động và bắt đầu đóng BHXH từ khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực để tránh hiểu lầm. Ông Hùng cũng kiến nghị cần có các phương án để hỗ trợ tài chính (vay vốn, trợ cấp…) cho NLĐ không được giải quyết BHXH một lần do tham gia BHXH sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực để họ an tâm.
Chế độ hưu trí phải hấp dẫn
Một trong những vấn đề được góp ý nhiều nhất tại buổi làm việc là tăng sức hút của chế độ hưu trí với NLĐ. Nhiều ý kiến cho rằng từ thực tế hiện nay lương hưu của nhiều người quá thấp, không đáp ứng được mức sống tối thiểu, vì vậy cần phải có cuộc cải cách về lương hưu theo hướng xem xét lại mức đóng BHXH hiện tại, đồng thời tính toán lại lương hưu sao cho mức lương hưu thấp nhất tiệm cận với lương tối thiểu vùng. Chỉ có như vậy, NLĐ mới mong chờ vào lương hưu.
Theo bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức), Luật BHXH liên quan đến an sinh xã hội, trong đó quan trọng nhất là chế độ hưu trí, do vậy cần xem xét thấu đáo khi sửa đổi luật này. Bà Yến nêu thực tế: "Quy định giảm 2% đối với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi là không hợp lý, cần phải quy định có lợi hơn cho NLĐ đã tham gia BHXH sớm.
Trong trường hợp NLĐ đã tham gia BHXH từ đủ 30 năm trở lên đối với nữ và 35 năm trở lên đối với nam nhưng do suy giảm khả năng lao động phải nghỉ hưu sớm thì không nên trừ % nào hoặc tối đa không quá 1%. Như vậy mới động viên NLĐ ở lại với quỹ hoặc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện trước khi đủ tuổi nghỉ hưu".
Về vấn đề trợ cấp một lần khi nghỉ hưu (thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ 75% thì trợ cấp một lần là 0,5 tháng lương cho mỗi năm đóng vượt) theo bà Yến là còn thấp và có sự chênh lệch lớn so với mức hưởng BHXH một lần. Điều này không khích lệ NLĐ đóng BHXH đến lúc nghỉ hưu. Bà Yến đề xuất mức trợ cấp một lần phải bằng mức hưởng BHXH một lần (1,5 tháng lương/năm đóng BHXH cho thời gian tham gia trước năm 2014 và 2 tháng lương/năm cho thời gian tham gia sau năm 2014).
Bà Huỳnh Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân), cho biết thời gian qua, NLĐ của công ty liên tục xin nghỉ để hưởng BHXH một lần. Vì vậy, khi sửa đổi Luật BHXH lần này phải làm sao để tạo niềm tin cho NLĐ vào chế độ hưu trí. "Theo tôi, cần xóa đi sự chênh lệch giữa nam và nữ trong việc việc đóng - hưởng các chế độ BHXH và theo nguyên tắc đóng nhiều, hưởng nhiều.
Hiện khi tính tiền lương, phúc lợi, không có DN nào phân biệt nam, nữ; mức đóng BHXH của họ cũng như nhau. Khi về hưu, nam hay nữ đều cần tiền để sống nhưng hiện thời gian đóng và hưởng lương hưu đang có sự cách biệt lớn. Theo quy định tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), khi đóng BHXH 15 năm, lao động nữ được hưởng lương hưu bằng 45% mức đóng nhưng lao động nam phải đóng BHXH 20 năm. Điều này đồng nghĩa với việc lao động nam đóng BHXH 15 năm chỉ được tính bằng 33,75% mức đóng, không thể đủ sống" - bà Hà cho hay.
Bình luận (0)