Trong khi Bộ phận Kỹ thuật Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra 3 phương án tăng LTT vùng năm 2018 với các mức 5%, 6% và 6,8% thì Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất mức tăng cao nhất 13,3%, tức tăng tuyệt đối từ 370.000 - 450.000 đồng.
Nhắc đến LTT, số đông công nhân (CN) tại các KCX-KCN đều lắc đầu ngán ngẩm, thậm chí nhiều người còn xem đó là nỗi ám ảnh thường trực. Thực tế, với mức LTT hiện hành (thấp nhất là 2,58 triệu đồng, cao nhất 3,75 triệu đồng), cuộc sống của tuyệt đại đa số CN vẫn đối diện nhiều khó khăn, nhất là với gia đình có con nhỏ.
Bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch CĐ Công ty Tích Hanh, quận Bình Tân, TP HCM (giữa), thăm hỏi đời sống công nhân ẢNH: THANH NGA
Nhằm cải thiện thu nhập, họ tăng ca bất chấp sức khỏe dù biết rằng việc này sẽ để lại hậu quả về lâu dài. Tuy nhiên, do nền LTT thấp nên dù có tăng ca cật lực, đại bộ phận CN vẫn không tích lũy được bao nhiêu, trong khi họ vẫn phải đối diện nhiều rủi ro khác, như tai nạn lao động, suy kiệt sức khỏe. Kết quả khảo sát mới nhất của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ ra thực trạng đời sống CN hiện nay: chỉ 2,7% hài lòng, 52,4% tạm hài lòng, 24,9% không hài lòng và 54% cho rằng tiền lương, tiền công không tương xứng với sức lao động mà họ đã bỏ ra.
Phác họa bức tranh toàn cảnh ấy để thấy cuộc sống CN còn khó khăn, vất vả đến dường nào. Vậy mà, lý giải vì sao chỉ đề xuất tăng LTT từ 2% đến 3%, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vin vào lý do năng suất lao động (NSLĐ) hiện nay của CN quá thấp.
Theo các chuyên gia lao động, viện dẫn của VCCI là thiếu thuyết phục bởi NSLĐ tăng lên phụ thuộc rất nhiều yếu tố chứ không chỉ do người lao động (NLĐ). Nếu doanh nghiệp (DN) tổ chức lao động không khoa học và sử dụng không hợp lý, liệu NSLĐ của CN có cải thiện? NSLĐ của NLĐ có thể cải thiện không khi người chủ sử dụng lao động không quan tâm đến việc chăm lo đời sống và cải thiện phúc lợi cho họ? Rõ ràng, khi tiền lương của NLĐ không tương xứng với công sức bỏ ra thì họ không thể toàn tâm toàn ý làm việc để tăng NSLĐ.
Theo điều 90, 91 Bộ Luật Lao động, mức LTT là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ cùng gia đình họ. Trên thực tế, hiện nay, điều này chưa đạt được. Do vậy, chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam là cuộc sống NLĐ cần phải được cải thiện, từ đó giúp họ yên tâm gắn bó với nơi làm việc.
"Tổng LĐLĐ Việt Nam xác định DN với NLĐ phải là một. DN có điều kiện phát triển thì NLĐ mới có điều kiện tăng thu nhập. Ngược lại, chủ sử dụng lao động cũng phải xem NLĐ như là một phần không thể tách rời của mình, phải quan tâm đến NLĐ thì họ mới gắn bó với DN và hăng hái sản xuất, nâng cao tay nghề, NSLĐ" - ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, bày tỏ.
Bình luận (0)