Ngày 13-8, tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ ba để chốt phương án tiền lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2019. Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia - chủ trì phiên họp cùng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng LĐLĐ Việt Nam.
VCCI tiếp tục kêu khó
Tại phiên họp, ông Doãn Mậu Diệp cho biết Nghị quyết 27/NQ-TW ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thực hiện Đề án cải cách tiền lương tại Hội nghị Trung ương 7, khóa XII ghi rõ: "Thực hiện điều chỉnh tăng mức LTT vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp (DN) để đến năm 2020, mức LTT vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) và gia đình họ". Do đó, trong năm 2019, mức LTT vùng phải được điều chỉnh phù hợp, bảo đảm mức sống của NLĐ và hài hòa lợi ích của DN.
Đời sống người lao động cần được ổn định căn cơ Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Diệp cũng nêu 4 phương án tăng mức LTT vùng do bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất. Theo đó, phương án 1 sẽ tăng mức tăng LTT lên 4% (bằng với mức CPI dự kiến cả năm). Phương án này, theo ông Diệp, thì sang năm sẽ phải tăng nhiều hơn mới bảo đảm mục tiêu của Nghị quyết Trung ương về cải cách tiền lương. Phương án 2 là tăng 5% (mức trung bình thấp). Phương án 3 là tăng 5,5%, mức tăng tạm chấp nhận được. Phương án 4 là tăng 6,1% (bằng mức tăng tiền LTT năm 2018). Ông Diệp đề nghị các bên cân nhắc thống nhất phương án để có thể hoàn thành dự thảo, trình Chính phủ ban hành vào tháng 10 tới.
Trình bày ý kiến tại phiên họp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng dù kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng tốt nhưng sự phát triển của DN thời gian qua chưa thực sự đồng bộ. "64% số DN đang làm ăn ở mức hòa vốn nhưng vẫn phải giữ chân NLĐ, trong khi đó, mức LTT hiện tại cũng đang tiệm cận tới mức sống tối thiểu trên 90%. DN phải tồn tại được thì NLĐ mới có việc làm. Do vậy, các DN mong muốn không nên tăng LTT để có quỹ đào tạo lại nguồn nhân lực hoặc có tăng thì ở mức vừa phải để còn phát triển. Mức tăng các DN đề xuất là 2%" - ông Phòng đề xuất. Trái ngược với lập luận trên, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng phiên họp chính phủ ngày 3-8 đã nêu bức tranh tổng thể về tình hình kinh tế - xã hội đất nước thời gian qua. NLĐ phấn khởi khi các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội mang màu sắc sáng sủa. GDP đạt trên 7%, xuất khẩu tăng mạnh. Như vậy, không có lý do gì để nói với NLĐ là lương năm nay thấp hơn năm ngoái. Tiền LTT phải bảo đảm mức sống tối thiểu, dù có tiệm cận thế nào thì mức LTT hiện tại cũng chỉ đáp ứng từ 92%-94% mức sống tối thiểu, chưa kể tỉ số trượt giá. Muốn để NLĐ sống tối thiểu bằng LTT thì phải tăng từ 7%-8 %. Nếu chỉ tăng 2% như VCCI đề xuất thì không bằng cả chỉ số trượt giá (4%). Ông Mai Đức Chính đề xuất mức tăng LTT cũng phải bằng mức tăng của năm ngoái, tức là 6,1%.
Hài hòa lợi ích
Sau nhiều giờ tranh luận, kết thúc cuộc họp, 15/15 thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu thông qua đề xuất mức tăng LTT vùng năm 2019 là 5,3%. Như vậy, tính từng vùng quy định, NLĐ được tăng từ 160.000 đến 200.000 đồng/người/tháng. Cụ thể, vùng I: 4.180.000 đồng (tăng 200.000 đồng so với quy định hiện hành); vùng II: 3.710.000 đồng (tăng 180.000 đồng); vùng III: 3.250.000 đồng (tăng 160.000 đồng); vùng IV: 2.920.000 đồng (tăng 160.000 đồng).
Trao đổi với báo chí, ông Doãn Mậu Diệp cho biết ông hài lòng với mức tăng 5,3% trong năm 2019. "Đây là mức mà NLĐ ngoài việc bù trượt giá (4%/năm) thì vẫn còn có mức tăng trưởng, tích lũy. Và với mức này thì DN cũng có thể chi trả được. Đây là mức tăng hài hòa, có thể làm cả hai cùng chấp nhận được" - ông Diệp khẳng định. Theo ông Mai Đức Chính, mức tăng 5,3% là tạm chấp nhận được. Tuy nhiên, để ổn định đời sống NLĐ một cách căn cơ, DN phải phối hợp với tổ chức Công đoàn từng bước hoàn thiện chính sách trả lương, đãi ngộ NLĐ.
Phương án tăng LTT vùng năm 2019 này sẽ được trình lên Chính phủ để ban hành Nghị định mới về LTT vùng năm 2019.
Bình luận (0)