Những năm qua, nhiều doanh nghiệp (DN) lợi dụng kẽ hở của quy định hiện hành là đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) trên tiền lương tối thiểu hoặc cao hơn lương tối thiểu vùng một chút, gây thiệt thòi quyền lợi lâu dài cho NLĐ. Luật BHXH 2014 khắc phục được điều này nhưng thực tế nhằm tối đa hóa lợi nhuận, chắc chắn nhiều DN sẽ tìm cách lách luật và đóng mức thấp nhất cho NLĐ. Do vậy, khi ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH, cần cụ thể hóa các quy định cụ thể để ngăn ngừa hành vi này. Về chế tài xử phạt đối với những DN chây ì không đóng BHXH cho NLĐ, cần quy định rõ các biện pháp chế tài mang tính răn đe DN cũng như bảo đảm quyền thụ hưởng của NLĐ.
Một bước tiến khác của Luật BHXH sửa đổi năm 2014 là quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn (CĐ) trong vấn đề bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ tham gia BHXH. Ngoài tuyên truyền, tham gia thanh - kiểm tra việc thi hành pháp luật về BHXH, CĐ còn được quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ cũng như tập thể NLĐ. Đây là tín hiệu đáng mừng song cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho tổ chức CĐ trong việc thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ. Do vậy, trước mắt, hệ thống CĐ cần tập trung bồi dưỡng kiến thức, đặc biệt là trang bị những kỹ năng cần thiết nhằm giúp đội ngũ cán bộ CĐ cấp trên cơ sở đủ sức cáng đáng nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH cũng cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, BHXH, đặc biệt là hệ thống tòa các cấp trong việc phối hợp, hỗ trợ tổ chức CĐ trong quá trình khởi kiện.
Bình luận (0)