Chính phủ ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, đáng chú ý là chính sách dành cho người lao động (NLĐ).
Cụ thể: NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1-4-2020 và không quá 3 tháng.
Mất việc do Covid -19, người lao động được hỗ trợ tối đa 3 tháng
NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6-2020.
Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6-2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng NLĐ theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng
Theo nhiều chuyên gia lao động và cán bộ Công đoàn, việc triển khai gói hỗ trợ này như thế nào để chính sách không bị trục lợi và hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời lại là bài toán trong quá trình thực thi chính sách.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, cần phải xây dựng hệ tiêu chí cụ thể, thiết kế biểu mẫu kê khai, giao nhiệm vụ cho chính quyền địa phương, phối hợp với người sử dụng lao động, đoàn thể trên địa bàn để xác định đúng đối tượng, để họ được nhận hưởng. Cần xác định các loại giấy tờ, tài liệu minh chứng cụ thể. Công đoàn Việt Nam đang phối hợp với các bộ, ngành để thiết kế các biểu mẫu thông tin, giấy tờ để xác định tiêu chí cụ thể nhằm xác định đúng những người thực sự khó khăn. Quá trình triển khai sẽ tích cực tham gia vào việc giám sát đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, không bỏ sót và tránh được tình trạng trục lợi chính sách. "Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đang nghiên cứu để có một gói hỗ trợ từ kinh phí, tài chính của Công đoàn nhằm chung tay cùng với Chính phủ hỗ trợ những NLĐ thực sự khó khăn" - ông Ngọ Duy Hiểu, cho biết.
Bình luận (0)