Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết hiện có khoảng 600.000 người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc có thời hạn tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Họ có cơ hội tiếp cận tiến bộ khoa học - công nghệ sản xuất của các nước phát triển, được làm việc trong môi trường quốc tế, kỷ luật cao và tác phong công nghiệp chuyên nghiệp. Những kiến thức và kinh nghiệm ấy giúp NLĐ tự tin hơn sau khi trở về nước làm việc hoặc khởi nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nước nhà.
Chưa tận dụng hiệu quả
Tuy nhiên, tại hội thảo "Đánh giá kết quả nghiên cứu quốc gia của Việt Nam về tái hòa nhập việc làm cho lao động di cư về nước trong khu vực ASEAN" vừa được tổ chức, các chuyên gia nhận định nguồn lao động về nước chưa được tận dụng hiệu quả, NLĐ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận việc làm khiến họ tìm kiếm việc làm ở nước khác.
Lãnh đạo một DN dự hội thảo cho rằng NLĐ di cư có thể chưa quen với môi trường làm việc của Việt Nam sau khi từ Nhật Bản, Hàn Quốc... trở về, dẫn đến dễ nản lòng, không hài lòng công việc hoặc chưa chuẩn bị đầy đủ về tinh thần và tâm lý cho các vấn đề thu nhập.
Cuối tháng 10-2022, Vũ Trọng Duy và Hà Văn Hoàng (cùng quê Thanh Hóa) từ Nhật Bản về nước sau 3 năm làm thực tập sinh. Hai bạn trẻ này mất hơn 2 tháng kiếm việc làm tại TP HCM nhưng chưa được như mong đợi. Sau khi tìm hiểu về chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ (visa 462) của Úc, Duy và Hoàng quyết định nộp hồ sơ tham gia. Duy kể công việc tại Nhật Bản là thu hoạch nông sản nên có kinh nghiệm làm nông trại, phù hợp với tiêu chí của visa 462 mà nhiều lao động trẻ đang theo đuổi tại Úc.
Hoàng cho biết cả hai đã tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật nên có nhiều lợi thế khi chọn công việc làm nông tại xứ sở kangaroo. "Trở về nước, chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm phù hợp. Chỉ có thể làm công nhân nhưng mức lương thấp nên không làm. Khi nộp hồ sơ diện visa 462, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ chương trình này và nếu làm tốt, đáp ứng đủ điều kiện sẽ được làm việc lâu dài tại Úc" - Hoàng nói.
Cũng từ Nhật Bản trở về sau 5 năm làm thực tập sinh, Đoàn Văn Trọng (27 tuổi, quê Quảng Bình) không xin việc làm mà quyết tâm đi học tiếng Đức. Trọng cho biết lúc còn ở Nhật đã tìm hiểu chương trình đưa NLĐ có tay nghề cao từ Việt Nam sang làm việc lâu dài tại Đức. Vì đã tốt nghiệp cao đẳng ngành điện - điện tử nên Trọng đủ tiêu chuẩn tuyển dụng của chương trình này. "Mấy năm làm ở Nhật Bản, tôi đã giúp bố mẹ trả hết nợ và xây nhà mới. Nay, tôi muốn sang Đức làm việc theo diện lao động tay nghề cao, được nước này đài thọ toàn bộ chi phí nên bố mẹ rất ủng hộ. Việc cần làm lúc này là tập trung học thật tốt tiếng Đức" - Trọng nói.
Không lo thiếu việc làm
Nhiều chuyên gia cho rằng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trở về mang theo kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và đó là những giá trị của lao động có chất lượng. Nếu tận dụng có hiệu quả, nguồn nhân lực này sẽ đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội bằng chính những kinh nghiệm họ có được.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc tái hòa nhập của lao động trở về nước gặp nhiều khó khăn. Thách thức lớn nhất mà NLĐ trở về là khó chấp nhận mức lương quá thấp so với mức lương họ được trả khi còn làm việc ở nước ngoài. Tiếp đến là môi trường làm việc, trang thiết bị phục vụ cho công việc và cả vấn đề bảo hộ, an toàn lao động cũng không như mong đợi của họ. Một vấn đề khác là công việc không phù hợp về kỹ năng giữa những gì NLĐ có và những gì doanh nghiệp (DN) trong nước cần.
Kỹ năng, kỹ thuật của NLĐ có thể cao nhưng không cần thiết đối với nhu cầu tuyển dụng của DN, buộc NLĐ phải chấp nhận một vị trí có kỹ năng thấp khiến họ không thể áp dụng kiến thức của mình. Điều này dẫn đến NLĐ không hài lòng về công việc, dễ "nhảy việc". Đó cũng là lý do khiến nhiều người tìm cách quay lại hoặc sang nước thứ 3, tiếp tục lao động bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo Chuyển giao lao động và Chuyên gia Suleco, cho rằng Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các DN Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… đến đầu tư, mở rộng sản xuất. Do đó, NLĐ về nước không lo thiếu việc làm. "Vấn đề quan trọng là NLĐ trở về phải chuẩn bị thật kỹ về tinh thần, tâm lý để nhanh chóng hòa nhập với công việc.
Họ có nhiều lựa chọn và được chào đón nhưng phải chấp nhận thực tế của thị trường lao động trong nước. Làm việc tốt, ngoại ngữ giỏi thì thu nhập chắc chắn không thua kém nước ngoài" - bà Hạnh nhấn mạnh. Việc lao động trở về nước chưa tìm được việc làm phù hợp là do hạn chế trong khâu kết nối việc làm. Hiện nhiều DN phái cử lao động làm rất tốt khâu kết nối việc làm cho NLĐ khi hết hạn hợp đồng về nước. Thậm chí có DN còn tổ chức đào tạo thêm cho NLĐ có nhu cầu ứng tuyển những vị trí quản lý, quản đốc…
Bình luận (0)