Sau giờ tan ca, anh Huỳnh Thanh Tân, công nhân (CN) Công ty CP Sài Gòn Food (KCN Vĩnh Lộc; huyện Bình Chánh, TP HCM), nán lại doanh nghiệp (DN) để tham gia lớp bồi dưỡng chế biến thủy sản (hệ trung cấp) do ban giám đốc và Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ (Phân hiệu TP HCM) phối hợp tổ chức. Ngoài anh Tân còn có 31 đồng nghiệp khác, dù rất mệt mỏi sau giờ tan ca song vấn cố gắng theo đuổi việc học.
Học cho bản thân
Với CN trực tiếp sản xuất, việc theo học các lớp bồi dưỡng không phải vấn đề đơn giản bởi phần lớn họ eo hẹp về thời gian lẫn tiền bạc. "Hiểu được điều đó nên Công đoàn (CĐ) cơ sở đã đứng ra đề xuất với ban giám đốc mở lớp bồi dưỡng tại chỗ để CN tan ca ra có thể học ngay. Được học miễn phí và được cấp bằng chính quy nên rất nhiều CN đăng ký theo học. CN tốt nghiệp được ưu tiên quy hoạch, đào tạo lên các vị trí quản lý như tổ trưởng, quản đốc" - bà Phạm Thị Hồng Hà, Chủ tịch CĐ Công ty CP Sài Gòn Food, cho biết.
Cái hay là chương trình được thiết kế rất linh động khi phần lý thuyết do các thầy cô Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ giảng dạy, riêng phần thực hành do ban giám đốc công ty đảm trách. Lớp thứ nhất khai giảng từ năm 2017 và đã có 30 CN tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi. Lớp thứ hai hiện có 32 CN theo học, dự kiến kết thúc vào đầu năm 2021. Anh Nguyễn Đức Hòa, một học viên xuất sắc tốt nghiệp khóa 1, bộc bạch: "Với CN, đi học được là cả một quá trình vượt khó. Nếu không cố gắng, quyết tâm, không ai có thể giúp được mình. Tôi cảm thấy may mắn vì công ty mở lớp miễn phí, thầy cô đến tận nơi dạy nên cố gắng theo đuổi". Sau khi hoàn thành khóa học, anh Hòa đã được bố trí lên vị trí điều hành.
Cùng với chương trình đào tạo trung cấp, Công ty CP Sài Gòn Food còn mở lớp đào tạo kỹ năng, như quản lý, giao tiếp, tư duy sáng tạo… dành cho các cấp quản lý từ cơ sở đến cao cấp, giúp họ giải quyết các vấn đề trong nội bộ, tự tin trong giao tiếp và đào tạo lớp quản lý kế thừa. Đặc biệt, Sài Gòn Food đưa cả hệ sinh thái Mentoring (truyền cảm hứng) vào đào tạo đội ngũ kế thừa, mỗi quản lý cấp cơ sở được cố vấn bởi một lãnh đạo cao cấp trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm, nhờ vậy, đội ngũ trẻ tiềm năng được học hỏi, phát triển từ chính kinh nghiệm của lãnh đạo đi trước, ứng dụng hiệu quả để đạt những thành công cao hơn.
Công nhân Công ty CP Sài Gòn Food theo học lớp trung cấp chế biến thủy sản tại doanh nghiệp
Nâng chất nguồn nhân lực
Dịch Covid-19 khiến nhiều DN dệt may gặp khó khăn, phải cho CN nghỉ chờ việc, giãn việc. Là đơn vị chuyên cung cấp linh kiện sản xuất máy may nên Công ty TNHH Fuji Impluse (KCX Linh Trung II; quận Thủ Đức, TP HCM) cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Theo ông Đặng Văn Nhơn, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Fuji Impluse, trong khó khăn chung ấy, ban giám đốc vẫn cố gắng bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động (NLĐ). Đặc biệt, chương trình đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho CN đã lên kế hoạch hằng năm vẫn được ban giám đốc duy trì, xem đó là cách nâng chất nguồn nhân lực. Thực tế, ngoài các lớp đào tại tại chỗ, căn cứ vào nhu cầu của từng bộ phận, công ty còn cử CN theo học các khóa huấn luyện (hệ thống quản lý, ISO 9.000, ISO 14.000, 5S, 6S…) tại các trung tâm có uy tín trong nước, thậm chí ra nước ngoài học tập. Đang theo học một lớp huấn luyện 3 năm ở Nhật Bản, anh Nguyễn Minh Đức rất hài lòng về chính sách đào tạo của DN. "Được ra nước ngoài học tập là một vinh dự bởi không chỉ mở mang tầm mắt, CN còn rèn luyện kỹ năng nghề, từ đó nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Nhiệm vụ của chúng tôi là tận dụng tốt cơ hội để nâng mình" - anh Đức bày tỏ.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Bùi Nguyễn Nam Khai, Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Liksin, cho hay kế hoạch đào tạo nghề cho NLĐ được ban giám đốc chuẩn bị chu đáo từ đầu năm. Các ngành nghề được ưu tiên là: kỹ thuật, an toàn lao động, quản lý hệ thống, kỹ năng mềm (giao tiếp, nói chuyện trước công chúng, tổ chức sự kiện…), quản lý sản xuất (từ tổ trưởng sản xuất trở lên)… Được cập nhật kiến thức và đào tạo thường xuyên nên nhiều CN trưởng thành hơn về chuyên môn và trở thành trụ cột ở bộ phận công tác. Liksin được đánh giá là đơn vị điển hình trong việc tổ chức thi tay nghề nâng bậc thợ hằng năm cho CN. Những CN đạt chuẩn sẽ được cấp giấy chứng nhận và nâng bậc, nâng lương trước niên hạn. Anh Bùi Thanh Nghị, Tổ trưởng quản lý chất lượng Xí nghiệp Bao bì An Khang, nhận xét: "Với chính sách đào tạo, nâng cao tay nghề theo vị trí công việc, cấp bậc căn cơ của DN, mọi CN đều có cơ hội tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Ai khẳng định được năng lực tại các hội thi thợ giỏi sẽ có cơ hội thăng tiến, cải thiện thu nhập".
Mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề, mong muốn của ban giám đốc là mở ra cánh cửa học tập cho NLĐ, giúp họ viết tiếp giấc mơ học tập dang dở từ khi khoác trên mình chiếc áo CN. Ai học tốt và khẳng định được năng lực thì chắc chắn sẽ có cơ hội thăng tiến".
Bà LÊ THỊ THANH LÂM, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food
Bình luận (0)