“Nhân viên văn thư có nghiệp vụ vững sẽ giúp doanh nghiệp (DN) điều hành, tổ chức quản lý sản xuất - kinh doanh hiệu quả hơn. Đó là lý do sau nhiều lần cân nhắc, cuối cùng, chúng tôi quyết định tổ chức hội thi nghiệp vụ văn thư giỏi” - ông Phạm Văn Kết, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, lý giải nguyên nhân tổ chức hội thi này.
Vững chuyên môn, giỏi tay nghề
Hướng đến mục tiêu tạo điều kiện cho CNVC-LĐ ôn luyện kiến thức, kỹ năng nghề và từng bước tạo chuyển biến về chất cho các hội thi tay nghề, năm nay, CĐ Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn quyết định kết hợp với Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng tổ chức hội thi nghiệp vụ văn thư giỏi.
Sự chuẩn bị chu đáo của ban tổ chức đã giúp hội thi diễn ra sôi nổi, đáp ứng nguyện vọng của số đông thí sinh là cán bộ văn thư lưu trữ ở các đơn vị. Việc xây dựng nội dung đề thi sát sườn với yêu cầu công việc đã thực sự tạo sự hứng khởi cho 32 thí sinh tham gia. Ở phần thi trắc nghiệm, 20 câu hỏi do ban tổ chức đặt ra không quá khó, chủ yếu tập trung vào các nội dung sắp xếp, lưu trữ tài liệu, phân biệt các văn bản, cách trả lời điện thoại… nên thí sinh có thể hoàn tất sớm. Phần thi khó nhất vẫn là thực hành (viết một thư cảm ơn), đòi hỏi thí sinh không chỉ am hiểu chuyên môn, hành văn khéo léo mà còn phải biết cách trình bày văn bản.
Đoạt giải nhất hội thi, chị Trần Thị Kim Trúc (Văn phòng Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn) bày tỏ: “Hội thi là cơ hội để chúng tôi hệ thống lại những kiến thức đã học và cập nhật thêm kiến thức mới để phục vụ yêu cầu công tác. Kiến thức tốt kèm kỹ năng giỏi sẽ giúp đội ngũ CNVC-LĐ nâng cao chất lượng lao động”.
Bám sát đặc điểm ngành nghề, trong đó công tác bảo đảm an toàn trong lao động cho người lao động, hằng năm, CĐ Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đều phối hợp cùng Trung tâm Kiểm định và Huấn luyện an toàn lao động TP HCM tổ chức hội thi lái xe nâng. Với nội dung gắn liền với thực tiễn sản xuất tại các đơn vị, hội thi đã tạo cơ hội để hàng chục thí sinh xuất sắc từ các đơn vị vừa ôn luyện kiến thức chuyên môn vừa rèn giũa kỹ năng nghề nghiệp.
Doanh nghiệp ủng hộ, tạo điều kiện
Quán triệt tinh thần nâng cao tay nghề, tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp cho công nhân (CN) là yêu cầu sống còn trong xu thế hội nhập, hằng năm, CĐ Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn đều chủ động phối hợp cùng Trường CĐ Công nghiệp In Hà Nội tổ chức lớp nâng bậc, thi thợ giỏi ngành in cho CN.
Với hơn 20 nghề trước và sau khi in cộng với bậc thợ khác nhau nên để tổ chức tốt hội thi tay nghề, ban tổ chức đã gặp rất nhiều trở ngại. Thực tế, quy trình từ ôn lý thuyết đến thi thực hành phải mất hơn 2 tháng, do vậy không chỉ thí sinh mà thành viên ban giám khảo cũng rất vất vả.
“Dù phải đến từng DN để chấm điểm bài thi cho thí sinh nhưng các thành viên ban giám khảo vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Giúp DN đánh giá chính xác chất lượng nguồn lao động và bảo đảm quyền lợi cho CN về lâu dài là mục tiêu hội thi đặt ra” - bà Nguyễn Thị Minh Trang, Chủ tịch CĐ tổng công ty, cho biết. Chứng kiến tác động tích cực mà hội thi mang lại, rất nhiều DN đã ủng hộ và tạo mọi điều kiện.
Vui nhất vẫn là CN khi trình độ bậc thợ được công nhận, được nâng lương đúng năng lực và quan trọng là cơ hội thăng tiến cũng rộng mở. Sau khi đoạt giải Bàn tay vàng tổng công ty năm 2012, từ một CN trực tiếp sản xuất, anh Trần Võ Công Nhựt đã được lãnh đạo tin tưởng, bổ nhiệm làm phó quản đốc Công ty CP In số 7.
Theo ông Giang Văn Nam, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP HCM, trong xu thế hội nhập sâu rộng, việc ôn luyện kiến thức và kỹ năng nghề có ý nghĩa quan trọng đối với người thợ. Tay nghề cao sẽ giúp người lao động không chỉ ổn định thu nhập mà còn tiến xa hơn trong nghề.
Bình luận (0)