Chẳng còn gì để khai vẫn bắt khai
Là một trong số những người khởi kiện đầu tiên, ông Trần Xuân Minh cho biết ông nhận thông báo thụ lý vụ án từ tháng 10-2016. "Tính đến nay, chính thức thì tôi đã khai 5 bản cho cả 2 vị thẩm phán. Mỗi bản khai chẳng khác gì nhau bao nhiêu, chỉ có mấy cái mốc thời điểm đòi lương đến ngày nào mà cứ khai đi khai lại mãi. Đến khi tôi bảo chẳng còn gì để khai thì tòa vẫn bắt lên làm bản khai! Gần đây nhất là ngày 27-10 tôi lại phải làm thêm một bản nữa, cũng chỉ có bấy nhiêu đó. Chúng tôi có phải ăn không ngồi rồi đâu mà cứ chầu chực quanh năm như vậy?" - ông Minh bức xúc.
Theo ông Minh, ngoài những lần có giấy triệu tập chính thức, còn thêm những lần nhận điện thoại chạy lên tòa ngồi nói chuyện rồi về, chẳng có biên bản làm việc gì cả. Nhiều lúc thấy chẳng có động tĩnh, ông Minh lại chạy lên tòa thì nhận được một giấy triệu tập vào một ngày khác. Đến ngày, bị đơn không lên, ông lại đi về.
Người lao động Công ty 710 ủy quyền cho Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM khởi kiện
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu cũng phải đến tòa gần chục lần, phần nhiều trong số đó là hẹn qua điện thoại. Lên tòa thì gặp một nhân viên không đủ thẩm quyền từ công ty, nói chuyện lòng vòng mãi không có gì mới và chẳng được gì. "Mỗi lần lên tòa hỏi thêm vài loại giấy tờ. Lúc thì kêu thiếu cái này, lúc lại bảo thiếu giấy kia, sao tòa không nói một lần cho xong? Đại diện công ty thì không có thẩm quyền quyết định, vậy đến làm gì? Loanh quanh mãi vẫn chỉ thuyết phục tôi đồng ý hòa giải. Tôi công tác hơn 30 năm, thiệt thòi rất nhiều nên không đồng ý hòa giải nhưng tòa vẫn không chịu xử" - ông Hiếu cho biết.
Hoãn vô thời hạn?
Trong khi đó, trường hợp của ông Đặng Xuân Trường dù tòa đã đưa ra xét xử 2 lần nhưng cả 2 lần đều bị hoãn. Ông Trường kiện đòi công ty đóng 3 năm BHXH và 6 tháng tiền lương. Công ty đưa ra phương án chỉ đóng 1 năm BHXH và giải quyết 3 tháng lương, phần còn lại chia đôi nghĩa vụ cho hai bên. Ông Trường không đồng ý.
"Xét xử lần đầu hoãn để bổ sung chứng cứ, đến lần sau tòa hoãn cũng để bổ sung chứng cứ. Hầu hết giấy tờ công ty giữ, không đưa ra thì làm sao NLĐ có mà bổ sung? Năm ngoái khi thấy người của công ty di dời tài sản khỏi trụ sở, chúng tôi đã ngăn chặn. Các cơ quan chức năng đến đề nghị hòa giải nhưng đại diện công ty không có mặt. Sau đó công ty lặng lẽ di dời hết mọi thứ, chỉ còn mỗi bàn thờ ông địa. Đáng nói là tòa kêu hoãn nhưng chỉ nói miệng và không đưa ra lịch xét xử, lại nói chờ LĐLĐ TP HCM tham gia (nhận ủy quyền khởi kiện của NLĐ) sẽ xử luôn" - ông Trường cho biết.
Sẽ giải quyết dứt điểm
Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Phó Chánh án TAND quận Bình Thạnh, cho biết vụ án của tập thể NLĐ Công ty 710 có nhiều khó khăn. Các trường hợp kéo dài là do công ty nhiều lần thay đổi người đại diện, khó triệu tập bị đơn. Công ty này đã ngưng hoạt động từ năm 2013, TAND quận Bình Thạnh phải mất thời gian thu thập chứng cứ. Đơn cử như BHXH TP HCM có văn bản trả lời về các trường hợp này nhưng chưa rõ.
Theo bà Vân, một số NLĐ vẫn mong muốn tiếp tục thương lượng. Trường hợp đặc biệt như ông Trần Xuân Minh đang có yêu cầu phản tố. Hướng giải quyết là TAND quận Bình Thạnh sẽ đưa ra xét xử trong vòng 2 tháng tới. Các trường hợp còn muốn thương lượng thì cũng gói gọn trong khung thời gian 1 tháng. Trường hợp hoãn phiên tòa cũng chỉ hoãn trong khoảng thời gian 1 tháng.
Tuy nhiên, theo ông Trần Xuân Minh, việc ông bị yêu cầu phản tố ông không được biết. Hơn nữa, công ty vẫn hoạt động ít nhất đến hết tháng 4-2015 vì NLĐ vẫn được nhận lương và có bảng lương. Đến tháng 6-2016, BHXH TP HCM vẫn có công văn yêu cầu công ty đóng BHXH cho NLĐ nhưng không hiểu sao sau đó lại đồng ý chốt sổ ở thời điểm tháng 8-2013. "Hầu hết các lần chúng tôi đến tòa đều gặp nhân viên nào đó gọi là đại diện công ty nhưng không có thẩm quyền. Đến giờ chúng tôi vẫn chưa nhận quyết định thôi việc do không ai giải quyết. Trợ cấp thôi việc từ năm 2009 trở về trước cũng chẳng có. Chứng cứ đến đâu thì tòa xử đến đó rồi tôi tính tiếp chứ cứ lên xuống, chờ mãi như thế thì biết đến bao giờ?" - ông Minh cho biết.
Bình luận (0)