Tại cuộc họp lần này, bộ phận kỹ thuật của hội đồng đã đưa ra 3 phương án tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2017. Đáng nói, cả 3 phương án đều có mức tăng thấp hơn năm trước, chỉ 10% (năm ngoái là 12,4%). Về phía đại diện cho người lao động (NLĐ), Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất tỉ lệ tăng bình quân là khoảng 11,11%, mức tuyệt đối là từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng cho 4 vùng.
Giả sử như đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam được chấp thuận thì mức LTT vùng năm 2017 cao nhất cũng chỉ đạt 3,9 triệu đồng. Trong khi đó, kết quả khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho thấy nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ trong năm 2016 đối với vùng 1 đã là 4,2 triệu đồng. Như vậy, đây là một bước lùi cho mục tiêu LTT bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của Bộ Luật Lao động năm 2012 và Kết luận số 23-KL/TW ngày 29-5-2012 của hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương khóa XI định hướng cải cách tiền lương là “Điều chỉnh mức LTT khu vực doanh nghiệp nhanh hơn để đến năm 2015 đạt mức nhu cầu tối thiểu”.
Mà năm 2015 đã qua từ lâu...
Cần nhớ, vào tháng 5-2013, khi Bộ Luật Lao động sửa đổi có hiệu lực, lẽ ra phải thực hiện điều 91 của bộ luật này là LTT đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện bình thường. Thế nhưng, năm đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng nếu điều chỉnh ngay mức LTT theo quy định của Bộ Luật Lao động thì nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn. Vì thế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ về lộ trình điều chỉnh LTT để có thể bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu cho NLĐ vào năm 2016 hoặc 2017.
Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia ngày 20-7 thì hy vọng “được sống ở mức tối thiểu” của hàng chục triệu NLĐ đã tan như bọt xà phòng. Bao nhiêu năm rồi, những người xây dựng chính sách tiền lương cứ đến hẹn lại lỗi hẹn...
Bình luận (0)