Chính vì thế, nhiều công nhân (CN) ở miền Trung vẫn còn khó khăn về nhà ở. Có người ở nhờ bố mẹ tại quê nhà, nhưng nhiều CN khác phải thuê ở trong những căn nhà trọ chật hẹp, không đủ các điều kiện thiết yếu cho sinh hoạt đời sống. Ước mơ về một căn nhà vẫn còn quá xa vời đối với nhiều người.
Mong manh nhà tạm
Theo địa chỉ mà LĐLĐ TP Đà Nẵng giới thiệu, tôi tìm về nhà Tuyết Sương, làm việc tại Công ty TNHH Foster (Khu công nghiệp Hòa Cầm). Nhà chị ở tận Quảng Nam, cách nơi làm việc hơn 40 cây số.
Mẹ con Tuyết Sương đang mơ về một căn nhà ổn định để tá túc
Đón chúng tôi là hai đứa nhỏ đầu trần chân đất, mặt mày nhem nhuốc nhưng ánh mắt tinh nghịch, đang vui chơi trước "nhà", thực chất là căn lều tạm, trống hoác tứ bề. Biết mục đích của khách, hai đứa băng qua cánh đồng bắp, chạy tít xuống phía triền sông Thu Bồn tìm mẹ. Tuyết Sương bỏ dở công việc, tất tả trở về, ngượng nghịu: "Em làm ca đêm, đi từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau về tới nhà. Hôm nay tranh thủ cuốc cỏ đậu, tí trưa mới về ngủ bù".
Phan Thị Tuyết Sương sinh năm 1980. Dù làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Cầm, Đà Nẵng, nhưng nhà thì ở tận thôn Giáo Ái Bắc, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Căn lều tạm, chênh vênh trên nền đất trồng đậu, thuộc sở hữu của Hợp tác xã Điện Hồng, là nơi ba mẹ con sinh sống. Hỏi về cuộc sống riêng, Tuyết Sương không ngăn được nước mắt. Chị mồ côi cha từ lúc 1 tuổi, mẹ cũng qua đời 5 năm sau đó. Anh chị em trong nhà đều tứ tán, đứa làm con nuôi, đứa trôi dạt vào Sài Gòn tìm việc. Sương ở nhờ gia đình người cậu ruột cùng làng. Năm 17 tuổi chị lấy chồng, một bạn trai cùng làng. Chưa kịp khôn lớn, cùng thất nghiệp, lại ở chung nhà bố mẹ chồng nên luôn bất hòa, và chỉ 2 năm sau, 1999 - hai người ly dị.
Tuyết Sương vào Sài Gòn làm CN. Nhưng trời xui đất khiến, năm 2000 khi chồng cũ vào học nghề thợ hồ ở Sài Gòn lại gặp nhau. Họ trở về làng và có đến 3 đứa con… ngoài giá thú. Tuy vậy, tính nết ham rượu chè, bạo hành của chồng không thay đổi, cuộc sống lại luôn nghèo túng, nên chị luôn bị chồng đánh, đuổi ra khỏi nhà. Không còn cha mẹ, không có người thân, chị không biết đi về đâu. Thấy hoàn cảnh thương tâm, nên chị Nguyễn Thị Diệp - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã đã xin HTX Điện Hồng, cho mượn miếng đất công dựng tạm căn nhà để 3 mẹ con có chỗ trú thân. Thằng lớn đã vào lớp 10, ở với cha, nhưng 2 đứa nhỏ còn bé quá, không thể bỏ chúng ở nhà một mình, vì vậy chị xin đi làm ca đêm...
Bỏ dở câu chuyện, Tuyết Sương chạy ào qua nhà hàng xóm mượn cây quạt, bởi thấy chúng tôi đã đẫm mồ hôi trong căn nhà thấp tè, hầm hập nóng. Phải vượt hơn 40 cây số đến chỗ làm mỗi ngày, rồi ngược về mỗi sáng sớm để toan lo cho con nhỏ, hành trình ấy của Sương đã lý giải cho cái túi nylon đầy vỏ thuốc tân dược treo trên vách nhà.
Nhưng điều không thể hình dung nổi là Tuyết Sương đã xoay xở như thế nào để đủ nuôi sống 3 mẹ con, cho chúng ăn học khi chỉ với 3 triệu đồng tiền lương mỗi tháng? Bà Đỗ Thị Mai, người hàng xóm sang hóng chuyện, cho biết thêm: "Từ ngày Sương đi làm công nhân, thu nhập 3 triệu đồng mỗi tháng, xã đã cắt mất số tiền hỗ trợ người nghèo. Vì vậy, ước mơ có một số tiền để mua đất, làm nhà đối với nó là không tưởng". Vì vậy, tan ca, rảnh giờ nào là Tuyết Sương lại quần quật với đồng ruộng, để lo cho hai đứa con nhỏ.
"Nan giải" bài toán nhà ở công nhân
Trong nhiều năm trước đây, dịp đầu xuân năm nào người miền Trung cũng phải chứng kiến những thanh niên nam nữ tuổi mới lớn ở các tỉnh thành miền duyên hải đổ ra QL1A, lếch thếch chờ đón những chuyến xe đầy người, xuôi về phương Nam tìm việc làm. Họ ra đi, bỏ lại phía sau cha già mẹ yếu, đàn em thơ dại, để lại quê hương phía sau còn trăm nỗi khó khăn. Để chặn dòng người di cư tự do ấy, giữ lại nguồn lực lao động phát triển kinh tế - xã hội cho miền Trung, trong gần 2 năm trở lại đây, các tỉnh thành khu vực miền Trung đã nỗ lực thu hút đầu tư, xây dựng mới nhiều KCN nhằm tạo công ăn việc làm cho con em địa phương, để thực hiện mục tiêu "ly nông nhưng không ly hương".
Nhiều công nhân ở khu vực miền Trung còn thiếu nhà ở ổn định. Căn nhà của chị Phan Thị Thu, công nhân Công ty TNHH 1 TV Quyết Thắng, Quảng Nam.
Kết quả, nhiều KCN đã hình thành, thu hút nhiều nhà đầu tư về lấp đầy. Tại Quảng Nam, KCN Điện Nam - Điện Ngọc với 390 ha đã được lấp đầy 95%, với 63 dự án đăng ký đầu tư, thu hút hơn 25.000 lao động. KCN Điện Nam - Điện Ngọc giải quyết lao động đáng kể ở phía bắc Quảng Nam. Đến thời điểm này, Quảng Nam có 9 KCN với tổng diện tích quy hoạch 4.734,3ha. Chiếm số lượng nhiều nhất thuộc về Khu kinh tế mở Chu Lai với 5 KCN. Các doanh nghiệp này đã tạo ra hơn 12.000 việc làm mới, bình quân mỗi năm đóng góp hơn 68% tổng thu ngân sách Quảng Nam. Ngoài ra, các KCN khác dọc Quảng Nam cũng đã thu hút gần 100 dự án, giải quyết việc làm cho hơn 35.000 lao động khác. Và trong đó, có đến 85% lao động là người địa phương.
Tại Đà Nẵng, sau 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị mới này đã tạo được nhiều dấu ấn về sự phát triển, trở thành địa phương động lực cho cả miền Trung. Tuy tốc độ phát triển các KCN không rầm rộ như thời kỳ đầu tách tỉnh, như các khu kinh tế mở Chu Lai ở Quảng Nam, khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi, nhưng Đà Nẵng đã sớm tìm ra hướng đi riêng. Đích đến của Đà Nẵng là "thành phố thông minh", thành phố của khoa học - công nghệ.
Đà Nẵng đang phấn đấu đi đầu về giáo dục và đào tạo, hướng tới địa phương có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho sự phát triển. Tuy vậy, nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân vẫn là bài toán dang dở của đô thị này. Không phải hiếm hoi, hoàn cảnh khó khăn như Tuyết Sương vẫn còn khá phổ biến trong công nhân lao động ở miền Trung. Theo thống kê sơ bộ, tại TP. Đà Nẵng đã có hơn 11 ngàn lao động đang có nhu cầu về nhà ở và chưa tiếp cận được với các thiết chế phục vụ đời sống tối thiểu như nhà giữ trẻ, khu vui chơi, khu giải trí, chợ...
Ông Lương Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng chia sẻ: "Trước mắt Chính phủ cần tạo điều kiện để cho người lao động có nhà ở. Những "Mái ấm Công đoàn" của tổ chức CĐ hỗ trợ cho các CN nghèo hiện nay chỉ là muối bỏ bể, chỉ là sự chia sẻ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mang nặng tính từ thiện hơn là một chính sách căn cơ để lo cho công nhân lao động".
Bình luận (0)