xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Muốn tăng lương phải giảm biên chế

Văn Duẩn

Nếu không tinh giản biên chế thì không thể có nguồn lực để tăng lương. Cải cách tiền lương phải tính đến việc trả lương theo vị trí việc làm


"Cải cách tiền lương không chỉ là điều chỉnh tiền lương cơ bản, tiền lương tối thiểu (LTT) mà còn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến chính sách tiền lương, ở nhiều khu vực, nhiều đối tượng". Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh điều này trong buổi làm việc với Tổng LĐLĐ Việt Nam sáng 17-10 về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công với cách mạng.

Chính sách tiền lương còn bất cập

Buổi làm việc nêu trên nhằm nghiên cứu, khảo sát phục vụ việc xây dựng Đề án Cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công.

Muốn tăng lương phải giảm biên chế - Ảnh 1.

Lương cơ sở chỉ đáp ứng 40% nhu cầu sống của công chức

Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã thông qua 2 nghị quyết quan trọng: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là tiền đề quan trọng để Hội nghị Trung ương lần thứ 7 thảo luận cặn kẽ và thông qua một nghị quyết về cải cách tiền lương.

Tại buổi làm việc này, Phó Thủ tướng đã chỉ ra những bất cập của chính sách tiền lương hiện nay. Theo đó, LTT chưa bảo đảm mức sống tối thiểu; hệ thống thang, bảng lương phức tạp và lạc hậu, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập còn nhiều bất cập (lương gồm cơ bản, thưởng, phụ cấp và khoản ngoài lương mà khoản ngoài lương lớn hơn lương).

Nguyên nhân của thực trạng này là đối tượng hưởng lương tăng nhanh mà ngân sách không đáp ứng kịp - hiện có hơn 8 triệu người hưởng lương từ ngân sách. "Nếu không tinh giản biên chế thì rất khó để thực hiện cải cách tiền lương" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Ông đồng tình với ý kiến cho rằng cần xem xét để trả lương theo vị trí việc làm.

Lương chưa đủ sống tối thiểu

Theo ông Trần Văn Lý, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong những năm qua, chính sách tiền lương đã góp phần tạo động lực, kích thích hoạt động quản lý nhà nước, sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy phát triển thị trường lao động, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) rèn luyện nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần nâng cao đời sống CB-CC-VC.

Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng chỉ ra rằng chế độ tiền lương, phụ cấp lương và các chính sách đãi ngộ đối với CB-CC-VC và cán bộ Công đoàn chuyên trách còn thấp, chưa tương xứng với vị trí, chức năng và nhiệm vụ. Tiền lương của CB-CC-VC ở khu vực hành chính sự nghiệp vẫn thấp so với khu vực ngoài nhà nước, chưa bảo đảm cho họ và gia đình có mức sống tối thiểu. Từ năm 2004-2017, tốc độ tăng lương cơ sở đã lên tới 4,5 lần nhưng so với thị trường lao động vẫn còn quá thấp. "So với LTT vùng Chính phủ công bố thì mức tiền lương cơ sở của CB-CC-VC mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu sống tối thiểu" - ông Lý cho biết.

Về tình hình tiền lương của người lao động (NLĐ) trong doanh nghiệp, theo đại diện tổ chức Công đoàn, hiện thu nhập trung bình của NLĐ, không kể ăn ca là 5,5 triệu đồng/tháng; còn lương để tính đóng BHXH năm 2017 là 4,48 triệu đồng/tháng. Để tăng thu nhập, NLĐ phải làm thêm hoặc tăng ca. Nếu họ không làm thêm thì tiền lương rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn, không có tích lũy.

Phải xác định lương cơ sở đúng và đủ

Kiến nghị với đoàn khảo sát, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất cần xác định lại mức lương cơ sở trong khu vực nhà nước cho đúng và đủ, phù hợp với thị trường lao động; sớm cải cách tiền lương, đặt lại mức lương cơ sở khu vực nhà nước. Đồng thời, phải quản lý và chi trả tiền lương theo hướng đánh giá chất lượng và hiệu quả công việc; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quyết định mức lương, ngạch lương được tăng cho cấp lãnh đạo quản lý trực tiếp.

Song song đó, cần nghiên cứu, tính toán tiền lương, tiền công theo khối lượng công việc của từng cơ quan, đơn vị, bộ phận. Gói tiền lương này có thể thay đổi hằng năm theo yêu cầu chức năng, nhiệm vụ phải hoàn thành và nên trả lương theo vị trí việc làm.

Đối với tiền lương khu vực doanh nghiệp, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị sớm nghiên cứu, ban hành Luật Tiền LTT. Trước mắt là hoàn thiện các quy định về tiền LTT quy định trong Bộ Luật Lao động theo hướng tiền LTT là mức tiền lương thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc đơn giản nhất và phải bảo đảm mức sống tối thiểu cho NLĐ cùng gia đình họ. Ngoài ra, Hội đồng Tiền lương quốc gia cần công bố lộ trình đến năm 2019, tiền LTT phải bảo đảm được mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.

Giảm chỗ này, phình chỗ khác

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng để cải cách tiền lương, trong đó có việc tăng lương cho CB-CC-VC, chỉ có cách duy nhất là phải sắp xếp lại bộ máy tổ chức và tinh giản biên chế. Chủ trương có từ lâu nhưng làm chưa quyết liệt nên giảm chỗ này lại phình ở chỗ khác.

"Không thể cứ để mãi tình trạng việc thì ít, người thì nhiều. Cần có một cơ quan phụ trách việc kiểm tra, giám sát, đốc thúc việc thực hiện sao cho triệt để" - ông Phúc nhấn mạnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo