LĐLĐ TP HCM vừa tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong đội ngũ cán bộ Công đoàn (CĐ). Nhất trí cao với nội dung về đường lối phát triển giai cấp công nhân (CN) Việt Nam được đề cập trong dự thảo các văn kiện, nhiều ý kiến cũng đề nghị Đảng, Nhà nước cần tiếp tục thể chế hóa những quan điểm, chủ trương lớn đã được thể hiện trong nghị quyết về xây dựng giai cấp CN thành cơ chế chính sách cụ thể, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp CN, tạo chuyển biến mạnh mẽ và rõ rệt trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động (NLĐ).
Hỗ trợ lao động yếu thế
Theo các đại biểu, việc nước ta ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã mở ra nhiều cơ hội việc làm, thế nhưng, sự phát triển của giai cấp CN hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, cơ cấu, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo ông Võ Văn Đặng, Phó Chủ tịch CĐ Sacombank, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi cao ở trình độ làm chủ công nghệ của NLĐ. Tuy nhiên, ở một số ngành nghề thâm dụng lao động hiện nay, CN vẫn phải làm việc theo phương pháp thủ công, dẫn đến năng suất lao động không cao. Nếu doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngưng hoạt động, cơ hội việc làm của NLĐ sẽ bị thu hẹp do trình độ tay nghề hạn chế, chưa kể bất lợi về tuổi tác. Từ thực tế này, ông Đặng đề nghị Đảng và Nhà nước cần ưu tiên phát triển khoa học - công nghệ, đặc biệt là cần có chiến lược dài hơi trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho NLĐ. "Có tay nghề đồng nghĩa với năng suất lao động sẽ cải thiện, việc làm và thu nhập của NLĐ được bảo đảm và nâng cao" - ông Đặng bày tỏ.
Trong xu thế hội nhập sâu rộng, công nhân cần được hỗ trợ nâng cao tay nghề Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch CĐ các KCX-KCN TP, cho rằng việc các DN sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu trong một thời gian dài cũng khiến trình độ tay nghề CN không tiến bộ. "Hiện nay, rất nhiều chủ đầu tư các KCX-KCN không muốn cho các DN thâm dụng lao động thuê nhà xưởng, dẫn đến một lượng lớn lao động sẽ bị mất việc. Lao động lớn tuổi sẽ đi về đâu khi kỹ năng nghề hạn chế, sức khỏe cũng đã sa sút? Thực tế này đòi hỏi Đảng và Chính phủ phải chọn lọc nhà đầu tư và quan tâm nhiều hơn đến công tác bồi dưỡng tay nghề cho NLĐ" - ông Thành góp ý. Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch CĐ các DN Công ích và Dịch vụ Thương mại TP, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập là vấn đề hết sức quan trọng. "Nhà nước cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành, đa dạng nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt dành cho các nhóm yếu thế trong thị trường lao động" - ông Minh nói.
Cải thiện phúc lợi xã hội
Theo các đại biểu, sự phát triển của đất nước có sự đóng góp rất lớn của giai cấp CN, do vậy họ phải được quan tâm, chăm lo đúng mức. Song song với việc hoàn thiện chính sách tiền lương, Đảng và Nhà nước cần thiết kế chính sách an sinh, phúc lợi xã hội dài hơi nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống NLĐ.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch CĐ Trường ĐH Văn Lang, khi hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước cần bảo đảm mục tiêu hài hòa, hạn chế tình trạng phát triển mất cân đối giữa thành thị và nông thôn. "Về các vùng quê hiện nay, tôi chỉ thấy người già và trẻ con, còn thanh niên ra TP làm CN. Thu nhập thấp, ở trọ tạm bợ, con cái phải gửi về quê cho ông bà trông nom nên gây ra nhiều hệ lụy đáng buồn. Bên cạnh chính sách thu hút vốn đầu tư về nông thôn, nhà nước cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, hạn chế tình trạng thanh niên lớn lên bằng mọi cách phải lên TP" - ông Tâm đề xuất.
Bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch CĐ ngành giáo dục TP, cho biết thời gian qua, dù nhiều địa phương đã quan tâm xây dựng trường lớp cho con CN nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của đối tượng này. Rất đông CN ngoại tỉnh phải gửi con ở các nhóm trẻ, trường tư thục vì không xin vào được trường công. "Với tốc độ tăng dân số cơ học hiện nay, các địa phương cần dành quỹ đất để xây dựng nhiều hơn các thiết chế văn hóa phục vụ NLĐ, nhất là nhà trẻ. Bên cạnh chính sách hỗ trợ học phí, cần quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên các cơ sở giáo dục ngoài công lập" - bà Gái kiến nghị.
Theo ông Trịnh Chí Thông, Phó Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Bến Thành, chủ trương xây dựng nhà ở xã hội cho NLĐ có thu nhập thấp là hết sức đúng đắn, tuy nhiên chính sách ưu đãi (thuế, đất) dành cho nhà đầu tư còn nhiều bất cập. Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có khoảng 2,8 triệu CN tại các KCX- KCN, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở, nhưng mới bố trí được 8%-10%, còn lại đang phải đi thuê nhà để ở với điều kiện sống rất thấp. "Bên cạnh việc đơn giản hóa và rút gọn trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án nhà ở, nhà nước cần dành quỹ đất và tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi" - ông Thông đề xuất.
Ông TRẦN ĐOÀN TRUNG, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM:
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện sự gần gũi, phản ánh tình hình thực tế, khát vọng chung của cả dân tộc, trong đó có tổ chức CĐ, CNVC-LĐ và mở ra tương lai cho đất nước. Các ý kiến đóng góp cho dự thảo các văn kiện rất sâu sắc, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ CĐ. Trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Bình luận (0)