Đại biểu Trần Thanh Hải (TP HCM) góp ý sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam Ảnh: VĨNH TÙNG
Phải đủ sức đại diện
Góp ý sôi nổi nhất vẫn là tổ ĐB TP HCM. Về mục tiêu, phương hướng nhiệm kỳ 2013-2018, các ĐB thống nhất nhận định: Trong xu thế hội nhập, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của tổ chức CĐ là phải làm thật tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ). Do vậy, nhiều ý kiến bày tỏ tâm đắc khi ĐH đề ra phương châm hành động: "Vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ; vì sự phát triển bền vững của đất nước, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động CĐ".
Theo ĐB Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch CĐ Công ty Sanofi Aventis (TP HCM), kinh tế khó khăn dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp (DN) không thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho NLĐ. Khi bị xâm hại quyền lợi, NLĐ sẽ đề nghị CĐ can thiệp, do vậy CĐ phải thực hiện tốt vai trò đại diện. "Ngoài chủ động giám sát, CĐ các cấp cần chủ động phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, xử lý DN sai phạm" - ông Đạt góp ý. Đề cập đến thực trạng cơ quan quản lý nhà nước về lao động thường "khoán trắng" nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi NLĐ cho tổ chức CĐ, ĐB Bùi Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, TP HCM - bày tỏ: "Pháp luật hiện hành quy định rõ trách nhiệm của chính quyền trong việc đôn đốc DN tổ chức hội nghị NLĐ và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Thế nhưng, trong thực tế, chỉ có CĐ đảm trách, thiếu sự phối hợp của các cơ quan chức năng". Từ thực tế ấy, bà Nhung kiến nghị phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc đôn đốc, giám sát việc tổ chức hội nghị NLĐ.
Từ thực tiễn hoạt động ở cơ sở, ĐB Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch CĐ Công ty Pou Yuen Việt Nam, nêu ý kiến: "Để đủ sức đại diện, bảo vệ NLĐ, ngoài cái tâm, cán bộ CĐ phải có trình độ, đặc biệt là kỹ năng xử lý tình huống. Đây chính là hạn chế của đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở hiện nay". Nhiều ĐB đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam phải nghiên cứu, hoàn thiện về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ CĐ các cấp phù hợp với các hình thức sở hữu, các mô hình kinh tế. Ngoài ra, cần xây dựng tiêu chuẩn, chức danh cán bộ CĐ, làm cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ. Chia sẻ tâm tư của các ĐB, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho rằng để có thể thực hiện tốt vai trò đại diện, CĐ phải nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến tổ chức CĐ; quyền, nghĩa vụ của NLĐ. Bên cạnh đó, các cấp CĐ cần tập trung nâng cao chất lượng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho NLĐ; tăng cường tổ chức đối thoại giữa CĐ, NLĐ và người sử dụng lao động.
Điều lệ cần theo kịp thực tế
Góp ý sửa đổi, bổ sung Điều lệ CĐ Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng điều lệ hiện hành cơ bản bảo đảm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động CĐ, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của tình hình kinh tế - xã hội đất nước đã tác động trực tiếp đến phong trào CNVC-LĐ và hoạt động CĐ, quan hệ lao động diễn biến phức tạp, một số vấn đề mới phát sinh cần được nghiên cứu, tổng kết. "Một số quy định của điều lệ còn bộc lộ bất cập. CĐ Việt Nam thực hiện đồng thời 3 chức năng nhưng việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra" - ông Nguyễn Văn Ngàng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhìn nhận.
Không khí thảo luận tại các tổ khá sôi nổi khi các ĐB tập trung phân tích những vướng mắc trong thực tế và hiến kế củng cố, hoàn thiện tổ chức. Về điều kiện thành lập CĐ cơ sở, đa số ý kiến nhất trí như dự thảo (5 đoàn viên đủ điều kiện lập CĐ cơ sở; 10 đoàn viên đủ điều kiện lập nghiệp đoàn). Tuy nhiên, theo ĐB Kiều Hùng, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP Hà Nội, dự thảo cần làm rõ khái niệm đoàn viên và lao động để cơ sở không nhầm lẫn, thuận lợi hơn cho công tác vận động. Theo ĐB Đặng Minh Thuần, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội, điều 13 (quy định về Ban Chấp hành CĐ cơ sở) quy định không được thay đổi nhiều thành viên Ban Chấp hành song thực tế lại khác. "Trừ cán bộ chuyên trách, còn hết nhiệm kỳ có khi mất cả 100% thành viên kiêm nhiệm. Đề nghị hướng dẫn thực hiện điều lệ về việc này cần mở hơn để phù hợp với thực tế ở các KCN-KCX" - ông Thuần đề nghị.
Nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ CĐ trong dự thảo cũng được các ĐB quan tâm, góp ý. Theo ĐB Ngô Thị Kim Ngọc, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi, việc dự thảo tách riêng nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ thành 2 khoản là hợp lý bởi điều này phù hợp với quy định của Luật CĐ và Bộ Luật Lao động. "Ngoài nhiệm vụ theo Luật CĐ quy định, cán bộ CĐ còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác do tổ chức CĐ phân công, chẳng hạn như đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ" - bà Ngọc lý giải.
Ban Chấp hành khóa XI có 172 ủy viên Ngày 29-7, đại hội đã công bố kết quả bầu cử Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI gồm 172 thành viên. Phiên họp đầu tiên của Ban Chấp hành khóa XI diễn ra chiều cùng ngày đã bầu Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI gồm 24 ủy viên; bầu chủ tịch và 5 phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI. Tại phiên họp này cũng đã bầu ra Ủy ban Kiểm tra (gồm 15 thành viên) và chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI. Hôm nay, 30-7, đại hội sẽ họp phiên bế mạc. |
ĐẠI BIỂU TẠ THỊ THU HUYỀN, Cần hỗ trợ NLĐ ổn định cuộc sống Tại đại hội này, tôi quan tâm đến vấn đề an sinh cho NLĐ. Chính sách về nhà ở cho người lao động thu nhập thấp hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, nhà trẻ, trường mẫu giáo, khu vui chơi giải trí phục vụ công nhân và con em công nhân ở các KCN còn thiếu thốn. Do vậy, tổ chức CĐ phải chủ động tham mưu, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền đưa ra giải pháp phù hợp, kịp thời hỗ trợ NLĐ ổn định cuộc sống, yên tâm công tác. Ngoài ra, tình trạng nợ đọng BHXH ở nhiều DN đã khiến quyền lợi của NLĐ bị xâm hại nghiêm trọng. Vì vậy, nhà nước cần phải có những giải pháp mạnh hơn để giải quyết vấn đề này.
Mong đề ra những quyết sách lớn Thời gian qua, tổ chức CĐ đã có rất nhiều cố gắng trong việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Tôi trông chờ đại hội lần này đề ra được những quyết sách lớn, hoàn thiện các chính sách chăm lo, cải thiện đời sống công nhân, đặc biệt là công nhân nữ vùng khó khăn. Bên cạnh đó, tôi cũng kỳ vọng Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI sẽ là một tập thể đủ mạnh, trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết để lãnh đạo phong trào CNVC-LĐ và hoạt động CĐ đạt những thành tựu to lớn hơn.
V.Tùng - V.Duẩn ghi |
Bình luận (0)