Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, tổ chức CĐ phải nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến tổ chức CĐ, quyền, nghĩa vụ của NLĐ; đồng thời phải đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Luật CĐ và Bộ Luật Lao động (BLLĐ). Bên cạnh đó, các cấp CĐ cần tập trung nâng cao chất lượng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho NLĐ; tăng cường tổ chức đối thoại giữa CĐ, NLĐ và người sử dụng lao động.
Góp ý sửa đổi, bổ sung Điều lệ CĐ Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng điều lệ hiện hành (khóa X) đã cơ bản bảo đảm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động CĐ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phù hợp quy định hiện hành của Hiến pháp, pháp luật về lao động, CĐ.
Những quy định của điều lệ về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp CĐ tương đối cụ thể, phù hợp với từng cấp, từng loại hình tổ chức cơ sở của CĐ, tạo cho việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bảo đảm cho CĐ hoạt động ổn định, từng bước phát huy hiệu quả trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh chóng của tình hình kinh tế, xã hội đất nước đã tác động trực tiếp đến phong trào CNVCLĐ và hoạt động CĐ, quan hệ lao động tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp, một số vấn đề mới phát sinh cần được nghiên cứu, tổng kết. Một số quy định của điều lệ còn bộc lộ những bất cập trước sự thay đổi và yêu cầu mới của tình hình kinh tế-xã hội đất nước. CĐ Việt Nam thực hiện đồng thời 3 chức năng, nhưng việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, mô hình tổ chức của CĐ bộc lộ nhiều bất cập, còn nhiều cấp trung gian. Việc phân cấp quản lý cơ sở, mối quan hệ giữa CĐ ngành TƯ và LĐLĐ địa phương còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức CĐ là tập trung chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động. Ảnh: Khánh An
Đại biểu Nguyễn Thiện Trung (đoàn Sơn La) nêu ý kiến, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XI nên quyết định đổi tên CĐ Viên chức thành CĐ Công chức – Viên chức. Liên quan đến cán bộ CĐ, các đại biểu cho rằng nên có quy định thống nhất với Ban tổ chức Trung ương bố trí đủ cán bộ cho CĐ các cấp vì thực tế tại các địa phương không được quyết định về tổ chức. Tại điều 17, các đại biểu cho rằng, trình tự thành lập CĐCS cần có quy định rõ ràng để tổ chức thực hiện. Điều 37, liên quan đến tài chính CĐ, về vấn đề thu kinh phí CĐ 2%, các đại biểu cho rằng cần có quy định cụ thể, cần có chế tài và quy định đơn vị nào thu.
Tại tổ thảo luận LĐLĐ TP Hà Nội, các đại biểu tập trung phân tích những vấn đề còn “vướng” trong thực tế. Trong đó, đại biểu Kiều Hùng, Trưởng ban Chính sách pháp luật LĐLĐ Hà Nội, băn khoăn về Điều 17, quy định về đại hội thành lập CĐ cơ sở sẽ có CĐ cấp trên ra quyết định kết nạp và thành lập. “Như thế là mâu thuẫn vì họ phải thành lập rồi thì mới tổ chức đại hội CĐCS được. Nên chuyển sang nội dung “ra quyết định công nhận” chứ không phải thành lập nữa” - đại biểu Hùng góp ý. Cũng theo đại biểu Hùng, cũng cần làm rõ trong Quy định về đoàn viên, có 5 đoàn viên thì vận động thành lập CĐCS hay có 5 lao động thì vận động thành lập CĐCS, cần cắt nghĩa cho rõ.
Chiều cùng ngày, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường. Đại hội cũng công bố kết quả bầu cử BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XI) gồm 172 người. Dự kiến tối nay, 29-7, sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ nhất BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XI) để bầu Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Ủy Ban Kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XI)
Bình luận (0)