Trong khi các cơ quan chức năng đang hoàn thiện những khâu cuối cùng chuẩn bị cho các kỳ thi lao động kỹ năng đặc định (KNĐĐ) dành cho người lao động (NLĐ) có nguyện vọng sang Nhật Bản làm việc thì các hội nhóm trên mạng xã hội rầm rộ đăng tải tuyển dụng lao động theo hình thức này khi chưa được phép. Qua đó, có dấu hiệu lừa đảo NLĐ nên các cơ quan quản lý nhà nước liên tục cảnh báo, đồng thời có các biện pháp xử lý để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.
Chờ đợi các kỳ thi
Nhật Bản chính thức tiếp nhận lao động diện visa KNĐĐ từ tháng 4-2019. Tháng 10-2019, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) ra văn bản hướng dẫn triển khai chương trình phái cử lao động KNĐĐ sang Nhật Bản.
Theo đó, các doanh nghiệp (DN) phái cử lao động cần đăng ký tham gia chương trình phái cử lao động KNĐĐ với Dolab để được giới thiệu với các cơ quan chức năng Nhật Bản. Sau khi được giới thiệu, DN thực hiện việc đăng ký hợp đồng tại Dolab theo quy định. Về phía NLĐ, văn bản nêu rõ Nhật Bản chỉ tiếp nhận lao động KNĐĐ khi NLĐ thuộc "danh sách xác nhận", gồm NLĐ đang sinh sống ở Việt Nam và Nhật Bản. Trong đó, có các thực tập sinh (TTS) đã hoàn thành chương trình TTS kỹ năng có ngành nghề phù hợp, du học sinh đã tốt nghiệp khóa học ít nhất 2 năm tại các trường có cấp bằng tại Nhật Bản và có nguyện vọng chuyển đổi sang tư cách lao động KNĐĐ.
Bộ LĐ-TB-XH cũng đã thống nhất với các bộ, ngành của Nhật Bản về kế hoạch tổ chức các kỳ thi, kiểm tra kỹ năng nghề, năng lực tiếng Nhật dành cho NLĐ tham gia chương trình KNĐĐ tại Việt Nam. Văn bản này là cơ sở pháp lý đầu tiên dành cho chương trình lao động KNĐĐ, mở ra cơ hội cho NLĐ có nguyện vọng sang Nhật Bản làm việc dài hạn. Tuy nhiên, mọi kế hoạch triển khai các kỳ thi dành cho lao động KNĐĐ đã phải tạm hoãn liên tục do dịch COVID-19. Tính đến thời điểm này, Việt Nam mới tổ chức một kỳ thi thử nghiệm liên quan đến lao động KNĐĐ vào tháng 3-2021 cho lĩnh vực xây dựng, với 30 thí sinh tham dự. Do vậy, lịch thi KNĐĐ bao giờ có ở Việt Nam là thắc mắc của rất nhiều NLĐ đang muốn đi theo diện lao động này.
Lao động Việt Nam mong chờ lịch thi chọn lao động kỹ năng đặc định
Trong số những điều kiện để được cấp visa KNĐĐ, NLĐ phải vượt qua kỳ thi tiếng Nhật và kỹ năng chuyên môn. Tốt nghiệp ngành cơ khí ôtô bậc cao đẳng, anh Hồ Văn Đức (25 tuổi, quê Ninh Bình), kinh nghiệm gần 3 năm làm cho một xưởng sửa chữa ôtô tại quận 12 (TP HCM), đang tìm hiểu chương trình KNĐĐ nên đã học tiếng Nhật hơn năm nay. "Tôi thấy nếu đi theo diện TTS thì thời gian ngắn mà thu nhập lại không cao. Tôi đã học và lấy được chứng chỉ N4 tiếng Nhật rồi nên chờ được thi để đi theo diện KNĐĐ. Có như vậy thì cơ hội mới tốt hơn. Nhiều bạn rủ tôi sang Philippines, Campuchia để thi nhưng tôi nghĩ sớm muộn gì Việt Nam mình cũng sẽ tổ chức" - anh Đức nói.
Được đối xử công bằng như lao động bản xứ
Bà Trương Nguyễn Quế Chi, Giám đốc Công ty TNHH MTV Texgamex-VN (quận 4, TP HCM), đặt nhiều kỳ vọng từ chương trình KNĐĐ bởi đây là hình thức đưa lao động có trình độ, tay nghề và kỹ năng ra nước ngoài làm việc theo một quy trình chuẩn. NLĐ đủ điều kiện xuất cảnh diện KNĐĐ sẽ không còn mang tiếng là "lao động phổ thông".
Bà Chi cho rằng chương trình KNĐĐ có 2 phần (1 và 2). Tuy nhiên, NLĐ nên quan tâm phần 1 bởi phần 2 chưa được triển khai. Về cơ bản, chương trình KNĐĐ dành cho 2 đối tượng, một là TTS kỹ năng đã và đang kết thúc hợp đồng tại Nhật hoặc đã về nước, hai là NLĐ chưa từng sang Nhật nhưng có chuyên môn và trình độ tiếng Nhật đáp ứng được yêu cầu của chương trình đề ra.
Theo bà Chi, chương trình visa mới này giải quyết được 3 vấn đề chính tồn đọng so với chương trình TTS kỹ năng hiện nay, đó là: Bảo đảm NLĐ nước ngoài được đối xử công bằng như lao động người Nhật; thực hiện 126 biện pháp hỗ trợ cả trong công việc và cuộc sống cho NLĐ nước ngoài như nhà ở, mở tài khoản ngân hàng, tư vấn bằng tiếng mẹ đẻ...; cho phép công ty Nhật tuyển lao động trực tiếp với thời gian làm việc dài đến 5 năm và không xác định thời hạn nếu NLĐ theo diện KNĐĐ phần 2.
"Các DN đã được Dolab cấp giấy tiến cử lao động KNĐĐ đang tuyển những cựu TTS về nước đi theo diện mới này rất hiệu quả. NLĐ sẽ có thêm 5 năm làm việc với mức thu nhập cao hơn. Cơ hội ở lại Nhật Bản làm việc lâu dài cũng rộng mở hơn với lao động đi theo diện KNĐĐ. Nếu không muốn ở lại, về nước, có hội cho lao động KNĐĐ cũng cao hơn với 8 năm kinh nghiệm làm việc và vốn tiếng Nhật thành thạo" - bà Chi nhấn mạnh.
Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định điều chỉnh giới hạn tiếp nhận lao động KNĐĐ nước ngoài trong một số ngành nghề để phù hợp với những thay đổi về nhu cầu lao động ở nước này. Theo đó, trong số 12 ngành, nghề được phép tiếp nhận lao động KNĐĐ nước ngoài, Nhật Bản nâng giới hạn tiếp nhận đối với ngành thực phẩm - đồ uống, chế tạo máy và sản xuất khác. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng hạ giới hạn với một số ngành, nghề, trong đó có lĩnh vực nhà hàng, giữ nguyên giới hạn ngành nông nghiệp.
Bình luận (0)