Tại buổi tiếp xúc với cử tri là công nhân - lao động, chủ doanh nghiệp (DN) góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM và LĐLĐ TP HCM tổ chức mới đây, góp ý về 2 phương án đề xuất rút BHXH một lần, hầu hết ý kiến đều chọn phương án 1, cụ thể là nhóm tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến trước ngày 1-7-2025) sẽ được rút BHXH một lần. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Đây cũng được xem là phương án tối ưu và đáp ứng nguyện vọng của NLĐ nhất tính đến thời điểm hiện tại.
Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc cho rằng Cơ quan soạn thảo cần nghĩ đến tâm tư NLĐ. Ai cũng muốn về già có đồng lương, nhưng thử hỏi 1 công nhân bắt đầu đi làm từ năm 20 tuổi đến năm 41 tuổi họ đủ 20 năm đóng, mà không may lúc đó bị thất nghiệp không kiếm được việc làm vậy họ phải chờ hơn 20 năm nữa họ mới đủ điều kiện nhận lương hưu, có ai kiên nhẫn đến tuổi đó không? Nói đến giảm số năm đóng mà % hưởng cũng giảm theo thì cũng không có lợi ích gì cho người lao động cả. "Tại sao một người đóng bảo hiểm gần 20 năm, họ lại muốn nghỉ để rút 1 lần, vì qua tuổi đó họ có được doanh nghiệp chấp nhận cho làm tiếp hay sa thải, nếu bị sa thải ở năm thứ 21 thì bắt buộc họ phải chờ hơn 20 năm nữa, vậy nên họ chọn giải pháp rút là tất nhiên" – một bạn đọc bày tỏ.
Một bạn đọc tên Vân đặt câu hỏi: "NLĐ khi gặp khó khăn về tài chính thì đâu thể mượn ai, nên họ chọn giải pháp rút BHXH 1 lần, còn không thì ngồi chờ vào điều gì khi họ bị thất nghiệp?". Bạn đọc Lê Thái Sơn nhận định: "Nếu thống kê cho con số chính xác những người đã và đang hưởng lương hưu chắc chắn phải từ 80-90% là những người khối nhà nước. Khối NLĐ ngoài nhà nước sẽ chiếm số lượng rất ít. Câu trả lời thì mọi người đều đã hiểu. Bởi trong thời gian qua gần 91% NLĐ rút BHXH một lần thuộc khối DN ngoài nhà nước. Qua số liệu thống kê đủ biết NLĐ ngoài nhà nước họ chịu thiệt thòi như thế nào". Tương tự, bạn đọc Vũ Văn Cung chia sẻ: "Ai cũng muốn có lương hưu về già nhưng chưa đủ số năm đóng bảo hiểm tối thiểu công ty đã cho nghỉ. Lớn tuổi thì rất khó xin được việc để tiếp tục tham gia bảo hiểm nữa nên họ đành rút BHXH một lần".
Bạn đọc Nguyễn Thị Thu bày tỏ: "Muốn giữ cho an sinh xã hội tốt nhất là giảm tuổi hưu. Và chọn phương án 1 cho luật sửa đổi, nếu không NLĐ vẫn cứ rút bình thường". Bạn đọc Quân Nguyễn đề xuất: "Theo tôi, những NLĐ ngoài nhà nước nữ đủ 50 tuổi còn nam 55 tuổi thì được hưởng lương hưu tối đa 75%, đảm bảo không một ai rút BHXH 1 lần; còn 58 và 62 tuổi thì dành cho khối văn phòng nhà nước". Với bạn đọc tên Tuấn, nếu muốn giữ chân NLĐ thì nên tăng mức lương hưu và giảm tuổi nghỉ hưu. Còn tiền NLĐ đóng thì họ có quyền rút hết khi họ cần, BHXH không nên hạn chế rút.
Bạn đọc Bùi An Tuấn góp ý: "Nếu người đóng BHXH được 10 năm, nếu họ đủ tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn còn sức làm việc thì nên để họ đóng tiếp cho đủ thời hạn đóng BHXH hưởng lương hưu, nếu họ không làm việc nữa thì nên chuyện qua hình thức trợ cấp xã hội gồm tiền chi trong quỹ BHXH và trợ cấp chính phủ, và vẫn được hưởng BHYT. Nếu làm được như vậy sẽ khuyến khích người ta đóng BHXH dù họ lớn tuổi hoặc sẽ không rút ra sớm vì họ hy vọng sẽ có khả năng được hưởng các chính sách xã hội hoặc hưu trí .
Bạn đọc Ngọc Thêm đề xuất: "Luật BHXH nên tính đến các phương án rủi ro và khó khăn nhất của NLĐ để xây dựng luật chứ đừng nên chỉ nghĩ đến việc ai cũng ổn định cuộc sống, ai cũng thảnh thơi khi về già để chờ lương hưu. Thời gian để chờ nhận lương hưu nó như thế nào, khó khăn ra sao cần được tháo gỡ. Không thể làm theo kiểu "Cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đó". Một bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Tôi nói thật ai mà không muốn nhận lương hưu. Ở DN tư nhân nếu qua ngưỡng 40 là rơi vào danh sách giảm nhân sự. Ở độ tuổi đó, khoảng thời gian nhận được lương hưu mỏi mòn".
Nhiều bạn đọc kiến nghị BHXH nên nghiên cứu, xem xét giải quyết một số bất cập của Luật BHXH hiện hành. 1.Bỏ quy định trừ tỷ lệ % đối với người lao động tham gia BHXH phải nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động hoặc bị mất việc làm vì lý do khách quan. Vì BHXH đã thực hiện nguyên tắc đóng hưởng rồi. 2. Thống nhất một phương án tính lương hưu cho tất cả các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, không phân biệt người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người hưởng lương từ chủ sử dụng lao động. Nên lấy mức tiền lương tham gia BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ làm căn cứ tính lương hưu. 3.Cần xây dựng chính sách hưu trí đa tầng để áp dụng cho từng đối tượng tham gia BHXH để phù hợp với điều kiện làm việc, môi trường làm việc của từng ngành, nghề
Bình luận (0)