Từ năm 2014, chương trình xây dựng hồ sơ quan hệ lao động (QHLĐ) doanh nghiệp (DN) do Trung tâm Hỗ trợ phát triển QHLĐ (CIRD) thuộc Cục QHLĐ và tiền lương Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) khởi xướng đã được triển khai thí điểm ở một số tỉnh, thành như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… Dù gặp rất nhiều trở ngại nhưng chương trình đã đạt được một số kết quả khích lệ. Sau khi lập hồ sơ, QHLĐ tại các DN có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động (TCLĐ) đã từng bước ổn định.
Phối hợp giải quyết bức xúc
Là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm, tỉnh Đồng Nai đã chọn 3 DN dễ xảy ra bất ổn trong QHLĐ là Công ty TNHH Hwasung Vina, Công ty TNHH Samil Vina và Công ty TNHH Amanda Food để xúc tiến xây dựng hồ sơ QHLĐ.
Triển khai từ tháng 11-2015, với những nỗ lực vượt bậc, đến tháng 3-2016, việc xây dựng hồ sơ QHLĐ tại các DN trên hoàn tất. Từ những bất cập được nêu ra trong hồ sơ QHLĐ ở từng DN, các hòa giải viên lao động đã phối hợp với ban chấp hành Công đoàn cơ sở và bộ phận nhân sự các công ty hoàn thiện quy trình giải quyết bức xúc của người lao động (NLĐ). Với sự liên kết chặt chẽ này, QHLĐ tại các DN có những chuyển biến rõ rệt. Chẳng hạn như tại Công ty TNHH Hwasung Vina, nhờ sớm thiết lập đường dây nóng và hoàn thiện quy trình giải quyết thắc mắc của NLĐ, ý thức chấp hành pháp luật của NLĐ được cải thiện rõ rệt. Tình trạng NLĐ tự ý nghỉ việc, nghỉ không phép giảm hẳn, đồng thời việc phản ánh những gút mắc trong QHLĐ đến lãnh đạo DN cũng thuận lợi hơn. Ông Phú Hoàng Sơn, Phó trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, cho biết thêm: "Bình quân mỗi tháng có từ 15-20 ý kiến phản ánh thắc mắc của NLĐ liên quan đến các vấn đề như chất lượng bữa ăn, cách tính lương, giải quyết chế độ BHXH… được ban giám đốc Công ty TNHH Hwasung Vina tiếp nhận, giải quyết, nhờ đó TCLĐ được hạn chế từ gốc, QHLĐ tại DN cũng đi vào ổn định". Tương tự, tại Công ty TNHH Samil Vina, phản ánh của NLĐ về môi trường và điều kiện làm việc trong hồ sơ QHLĐ cũng được ban giám đốc sớm tiếp thu, khắc phục. Ban giám đốc công ty đã lót gạch sàn và gắn thêm hệ hống quạt thông gió tại xưởng nhuộm, giúp môi trường làm việc của NLĐ thoáng mát hơn.
Tại TP HCM, việc xây dựng hồ sơ QHLĐ cũng được triển khai từ cuối năm 2015 tại 5 quận, huyện thường xảy ra TCLĐ. Tính đến tháng 6-2018, đã có 150 bộ hồ sơ QHLĐ được hoàn thiện. Đánh giá hiệu quả của việc xây dựng hồ sơ QHLĐ, ông Trần Thanh Thọ - cán bộ Phòng LĐ-TB-XH quận 12, TP HCM - chia sẻ: "Sau khi xây dựng hồ sơ QHLĐ, 6 DN trước đây thường xuyên xảy ra TCLĐ tập thể có chuyển biến tích cực, đời sống, việc làm của NLĐ cũng ổn định hơn".
Việc xây dựng hồ sơ quan hệ góp phần ngăn ngừa hiệu quả các cuộc tranh chấp lao động tập thể
Rèn kỹ năng cho hòa giải viên lao động
Theo đánh giá của ông Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc CIRD, việc xây dựng hồ sơ QHLĐ không chỉ giúp DN hiểu rõ hơn về tình hình tại đơn vị mà còn giúp cơ quan quản lý lao động tại địa phương có góc nhìn toàn diện về tình hình QHLĐ, từ đó kịp thời đưa ra những điều chỉnh theo hướng hài hòa lợi ích giữa các bên.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo CIRD, quá trình thực hiện vẫn gặp không ít khó khăn; nguyên nhân do thời gian thực hiện ngắn nên nhiều DN chưa hiểu hết ý nghĩa, mục đích của việc xây dựng hồ sơ QHLĐ. Bên cạnh đó, nhiều DN coi đây là việc của cơ quan quản lý nhà nước, từ đó chưa quan tâm, hỗ trợ hòa giải viên trong quá trình xây dựng hồ sơ QHLĐ. Đại diện Sở LĐ-TB-XH TP HCM dẫn chứng: "Khi thực hiện hồ sơ QHLĐ, một số DN tỏ ra không hợp tác, thậm chí đòi phải có văn bản đề nghị hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, do hòa giải viên lao động khó tiếp cận với chủ DN nên thông tin thu thập được về tình hình QHLĐ tại DN mang tính chắp vá". Khó khăn khác, theo ông Phú Hoàng Sơn, là các hòa giải viên lao động phải kiêm nhiệm nhiều việc nên không có nhiều thời gian thu thập thông tin cho hồ sơ QHLĐ. Chưa hết, hầu hết hòa giải viên lao động không được đào tạo chuyên môn về QHLĐ, thời gian công tác ngắn nên chưa đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các yêu cầu đặt ra. "Để hồ sơ QHLĐ đáp ứng yêu cầu thì phải có thêm nhiều thời gian tập huấn cho các đối tượng liên quan như hòa giải viên lao động, cán bộ Công đoàn cơ sở lẫn người đại diện DN. Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo kỹ năng khai thác thông tin cho hòa giải viên để từ đó có những đánh giá đúng về thực trạng QHLĐ trong DN, có như vậy mới đề xuất các giải pháp hỗ trợ DN cải thiện tình hình QHLĐ một cách hiệu quả" - ông Sơn kiến nghị.
Bình luận (0)