Ngày 13-7, Hội thảo "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam", do Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) tổ chức tại Hà Nội. Tham dự hội thảo có gần 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị đào tạo khối trường xây dựng, kỹ thuật, dạy nghề, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp trong và ngoài ngành thang máy...
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đánh giá hội thảo là hoạt động hết sức thiết thực nhằm hưởng ứng ngày Kỹ năng thanh niên thế giới 15-7-2022, được Liên hợp quốc lấy thông điệp "Hãy biến đổi kỹ năng thanh niên cho tương lai" cùng hướng tới phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.
Ông Lê Văn Thanh đề nghị, VNEA tiếp thu, tổng hợp các ý kiến tại hội thảo, phối hợp tham vấn, đề xuất đối với các cơ quan chức năng về hoạch định chính sách, quản lý nhà nước nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với công tác đảm bảo chất lượng, an toàn sức khỏe lao động lĩnh vực thang máy, thang cuốn. Đây là cơ sở để trình Chính phủ cập nhật, bổ sung, loại bỏ một số công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn sức khỏe người lao động yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Tại hội thảo nhiều tham luận và ý kiến của đại biểu trao đổi xung quanh thực trạng đào tạo, tuyển dụng nhân lực ngành thang máy, những khó khăn và giải pháp cho vấn đề này.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo của các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp ngành thang máy
TS Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho rằng muốn tăng năng suất lao động (NSLĐ) cần tạo nên hệ sinh thái phát triển kỹ năng nghề, gồm 6 trụ cột: Khung trình độ kỹ năng nghề Quốc gia; Chuẩn hóa kỹ năng nghề Quốc gia; Học tập suốt đời; Hệ thống đánh giá, cấp Chứng chỉ kỹ năng nghề Quốc gia; Tuyển dụng và sử dụng dựa vào kỹ năng nghề; Nguồn tài chính. Trong đó, Chuẩn hóa kỹ năng nghề Quốc gia là việc cấp thiết đối với ngành thang máy.
"Tuy nhiên, trên thực tế thì vấn đề này đối với ngành thang máy hiện còn đang bị "bỏ ngỏ". Rõ ràng chúng ta đang thiếu một chuẩn mực về trình độ kỹ năng và đạo đức đối với nhân lực ngành thang máy. Bên cạnh đó, Luật Việc làm và Nghị định 31/2015/NĐ-CP có quy định rõ về những công việc có khả năng gây nguy hiểm cho người lao động hoặc cộng đồng, nặng nhọc, độc hại… yêu cầu cần có Chứng chỉ kỹ năng nghề Quốc gia" - TS Nguyễn Chí Trường nhấn mạnh.
Theo TS Trần Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngành thang máy cần đánh giá đúng nhu cầu nhân lực, từ đó gắn kết đào tạo với thực tiễn để đạt hiệu quả. Khung chương trình đào tạo cần phải được chuẩn hóa, tiệm cận với các chương trình đào tạo quốc tế. Xây dựng hệ thống giáo dục 4.0, đào tạo đi tắt đón đầu để nắm bắt các cơ hội tạo ra nhân lực chất lượng, phục vụ không chỉ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu chuyên gia, kỹ thuật viên cao cấp cho thị trường lao động quốc tế.
Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam phát biểu và tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại hội thảo
Ngoài ra, hội thảo còn nhiều tham luận với các góc nhìn, tiếp cận, phân tích những vấn đề khác nhau về nhân lực ngành thang máy. Ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch VNEA, cho biết VNEA tiếp thu và tổng hợp tất cả các ý kiến đóng góp quý giá tại hội thảo. Qua đó, sẽ tham mưu đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các chính sách phù hợp, giải quyết "nút thắt" chất lượng nguồn nhân lực để ngành công nghiệp thang máy Việt Nam phát triển bền vững…
Bình luận (0)