Sau mỗi năm làm việc và cống hiến, khoản thưởng Tết cuối năm luôn được người lao động mong ngóng. Song, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp chưa vượt qua khỏi khó khăn do đơn hàng sụt giảm, buộc phải thực hiện thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động dẫn đến người lao động bị mất việc làm cuối năm. Vậy trong trường hợp này, người lao động có được nhận khoản thưởng Tết hay thưởng lương tháng 13?
Theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019, "Thưởng" là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Doanh nghiệp thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, khi thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động (đúng quy định), người sử dụng lao động có trách nhiệm: thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của người lao động trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Trong trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, phá sản thì tiền lương, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán.
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động; Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Mặt khác, đối với trường hợp doanh nghiệp cho người lao động nghỉ việc trái pháp luật, thì theo Điều 41, người sử dụng lao động có nghĩa vụ: Nhận người lao động trở lại làm việc; phải trả tiền lương, đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước...
Như vậy, các quy định pháp luật hiện hành này không quy định về trách nhiệm thưởng Tết, thưởng lương tháng 13 của doanh nghiệp khi cho người lao động nghỉ việc vào cuối năm. Việc thưởng Tết hay không tùy thuộc vào quy chế thưởng của đơn vị. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động cũng khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động. Do vậy, trong điều kiện cho phép doanh nghiệp có thể cân nhắc có thêm khoản thưởng Tết để tri ân sự cống hiến cũng như hỗ trợ một phần khó khăn cho người lao động khi mất việc vào thời điểm cận Tết.
Bình luận (0)