"Anh đợi tôi 5 phút vì đang dở tay với anh em CN trong chuyền đóng gói" - ông Giai quay sang nói. Biết chúng tôi sẽ thắc mắc nên ông Giai nói luôn: "Cứ rảnh là tôi xuống làm cùng CN để nắm bắt thêm tâm tư, nguyện vọng của anh em. Đó là cách mà tôi đã làm mười mấy năm nay".
Khi chúng tôi hỏi cùng lúc kiêm nhiệm cả quản đốc sản xuất với núi công việc và chủ tịch một CĐ cơ sở với 450 đoàn viên, ông sẽ thu xếp công việc ra sao cho trọn cả đôi đường? Ông Giai cho biết cũng không mất quá nhiều thời gian hay gặp vấn đề gì về việc phân bổ công việc cho cả hai chức vụ. Bởi theo ông, việc xây dựng đội ngũ kế cận có phần vất vả giai đoạn đầu nhưng khi anh em tin tưởng, hiểu rõ vai trò của mình thì mọi việc trôi chảy, như một dây chuyền sản xuất được vận hành trơn tru vậy. "Ở đây, chúng tôi còn có chi bộ Đảng với hơn 20 đảng viên là CN và việc phát triển đảng viên trong khối sản xuất là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Đây chính là cách mà chúng tôi xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế cận với những bước đào tạo, rèn luyện không chỉ về chuyên môn mà còn chú trọng phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và đặc biệt là tinh thần đoàn kết, sẻ chia với các đồng nghiệp của mình" - ông Giai nói.
Ông Đinh Văn Giai kiểm tra sản phẩm trong dây chuyền sản xuất cá phi-lê đông lạnh tại Công ty TNHH Toàn Thắng
Là thủ lĩnh CĐ, lại kiêm quản đốc sản xuất nên công việc rất bề bộn. Thế nhưng, vai trò nào ông cũng hoàn thành tốt, được ban giám đốc và tập thể lao động tin tưởng. Đặc biệt, ông Giai còn là đầu tàu trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Đưa chúng tôi tham quan khu vực xử lý nước thải của nhà máy, ông Giai cho biết trong quá trình chế biến, các vụn thịt cá (còn gọi là bột cá) thường trôi theo đường nước thải. Nếu đưa vào hồ chứa thì sẽ tốn rất nhiều kinh phí để tẩy khuẩn, giảm mùi hôi mà nước lại không trong nên không thể chuyển về hồ xử lý nước thải của khu công nghiệp. Từ trăn trở ấy, ông mày mò lắp thêm máy lọc rác để thu hết bột cá. Việc xử lý nước thải ổn định nhưng hằng ngày, nhà máy phải tốn vài triệu đồng để mướn xe vận chuyển bột cá đi tiêu hủy, nếu bột cá được sấy khô sẽ là nguồn thu không nhỏ. Thế là ông Giai lại mày mò nghiên cứu hệ thống sấy bùn thải qua mô hình sấy đối lưu. Như vậy, hơi nóng của lò sấy trong sản xuất được tận dụng. Đây là công trình giúp ông Giai được trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng 2012.
Khi cải tiến sản xuất, năng suất lao động tăng lên, ông đề xuất với ban giám đốc thưởng vượt mức chỉ tiêu, giúp CN tăng thêm thu nhập từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/tháng. Hiện mức thu nhập của CN tại doanh nghiệp trung bình hơn 8 triệu đồng với CN mới, từ 12-15 triệu đồng đối với CN lâu năm.
"Anh Giai như một người anh trong đại gia đình 450 anh em CN chúng tôi. Anh ấy là tấm gương về sáng tạo trong lao động sản xuất và là thủ lĩnh CĐ luôn quan tâm người lao động. Từ việc gửi con đi nhà trẻ, tiền ăn, tiền tăng ca thêm giờ, hỗ trợ tiền ở trọ, xăng xe cho đến các khoản chăm lo phúc lợi khác đều được anh Giai đề xuất công ty quan tâm chu đáo" - chị Nguyễn Thị Lan, CN Công ty TNHH Toàn Thắng, chia sẻ với phóng viên.
Bình luận (0)