Trong số 11 cá nhân được LĐLĐ TP HCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng xét trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2018, có 2 gương mặt ở ngành sản xuất và chế biến thực phẩm. Đó là anh Lê Đức Anh, Phó Giám đốc xưởng chế biến thực phẩm Công ty CP Thực phẩm Cholimex (Cholimex Food) và anh Dương Văn Nhân, Tổ trưởng tổ chế biến lạp xưởng - Xưởng chế biến thực phẩm Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN)
Vì sức khỏe công nhân
Tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thực phẩm và bắt đầu với vị trí nhân viên quản lý chất lượng. Sau 2 tháng thử việc thì được bổ nhiệm làm đội phó đội thành phẩm 2 và trở thành phó giám đốc khi mới 29 tuổi. Đó là những dấu ấn quan trọng trên con đường sự nghiệp của Lê Đức Anh.
Anh Lê Đức Anh, Công ty CP Thực phẩm Cholimex, đang kiểm tra chất lượng sản phẩm
Trò chuyện với chúng tôi, chàng kỹ sư trẻ đầy nhiệt huyết này cho biết chứng kiến những đứa con tinh thần của mình được ứng dụng thành công vào thực tiễn sản xuất, đặc biệt là thấy anh chị em công nhân (CN) làm việc được nhẹ nhàng hơn, năng suất cao hơn đó mới là niềm hạnh phúc lớn nhất. Yêu nghề, thương anh chị em CN vất vả nên khi phát hiện những bất cập trong sản xuất, anh đều tìm cách khắc phục. Sáng kiến "Thiết kế băng tải lựa ớt, thay cho việc lựa ớt trên bàn dài" là minh chứng cho việc biến những trăn trở thành hành động của Đức Anh. Quan sát khâu lựa ớt trước khi chế biến mất khá nhiều thời gian, lại tốn nhân công, anh đã tìm tòi, chế tạo băng tải lựa ớt tự động. Với sáng kiến đơn giản nhưng độc đáo này, năng suất lao động của anh chị em CN tăng 300% trong khi không phải di chuyển nhiều, đặc biệt là bưng vác nặng nhọc.
Biến trăn trở thành hành động
Ở một đơn vị từng có nhiều cá nhân đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng như VISSAN, áp lực đối với những người thợ trẻ như anh Dương Văn Nhân là không hề nhỏ. "Thành tích lao động sáng tạo của thế hệ đi trước khiến lớp trẻ chúng tôi nể trọng và tự nhủ phải phấn đấu nhiều hơn trong công việc hằng ngày. Do vậy, khi được giải thưởng vinh danh, tôi rất đỗi tự hào" - anh Nhân bày tỏ.
Anh Dương Văn Nhân (Công ty Vissan) trong giờ làm việc
Tốt nghiệp ngành quản trị nhà hàng khách sạn và hiện đang theo học cao đẳng công nghệ thực phẩm, chưa từng qua trường lớp nào về thiết kế kỹ thuật nhưng từ năm 2011 đến nay, anh nhân viên trẻ Dương Văn Nhân đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật với tổng giá trị làm lợi cho công ty hơn 400 triệu đồng/năm. Xuất thân từ một người thợ đứng máy nên mỗi sáng kiến của Nhân xuất phát từ nỗi trăn trở làm sao giảm được vất vả trong công việc hằng ngày cho anh chị em CN. Sáng kiến "Thiết kế bộ giá giúp lọc paste thịt khi vệ sinh máy cutter" là một công trình tâm huyết của Nhân. Trong quá trình sản xuất chế biến thực phẩm, việc vệ sinh máy cutter (máy xay thịt) là một việc làm thường xuyên và bắt buộc. Tuy nhiên, công đoạn này tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn đối với anh, chị em CN trong quá trình thao tác. Thực tế, trong quá trình vệ sinh máy cắt thịt, nước và paste thịt (dạng hồ nhão) chảy lan bên dưới khiến nền nhà trơn trượt; chưa kể phải tốn công thu gom nhiều lần để nhà xưởng được sạch sẽ. Chứng kiến cảnh này, anh Nhân nảy sinh ý tưởng: Chế tạo thiết bị lọc nước và giữ lại paste thịt để giúp CN sẽ đỡ tốn công thu gom, đồng thời tiết kiệm được chi phí sản xuất.
Quan sát kỹ lưỡng nguyên lý vận hành của máy cutter và lắng nghe ý kiến đóng góp của những CN trực tiếp vận hành máy, anh Nhân bỏ ra 2 tháng trời tính toán, thiết kế mô hình bộ giá giúp lọc paste thịt khi vệ sinh máy cutter. Sau nhiều lần chạy thử và điều chỉnh, cuối cùng thiết bị đã hoàn chỉnh. Việc thiết kế bộ lọc paste thịt cho máy xay không những giúp bảo đảm an toàn cho CN trong quá trình vệ sinh máy mà còn còn giúp công ty giảm chi phí xử lý nước thải và tăng lượng paste thịt thu hồi. Giá trị làm lợi của sáng kiến này là 162 triệu đồng/năm.
Bình luận (0)