Đại dịch Covid-19 thực sự đã đẩy nhân loại vào một thời kỳ mới, trong đó có việc bùng nổ làm việc tại nhà để tránh lây nhiễm dịch bệnh được đa số quốc gia áp dụng cho đến nay. Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trước cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19, toàn thế giới có khoảng 260 triệu lao động làm việc tại nhà, chiếm 7,9% tổng số việc làm toàn cầu và hơn một nửa trong số đó (147 triệu người) là nữ.
Bùng nổ làm việc tại nhà
Đối tượng làm việc tại nhà gồm những người lao động (NLĐ) làm việc từ xa thường xuyên và một số lượng lớn NLĐ tham gia các khâu sản xuất hàng hóa không thể tự động hóa được như thêu ren, thủ công mỹ nghệ và lắp ráp đồ điện tử. Nhóm thứ ba là lao động làm việc trên nền tảng kỹ thuật số cung cấp các loại hình dịch vụ, như xử lý yêu cầu thanh toán bảo hiểm, hiệu đính văn bản hay chú thích dữ liệu phục vụ công tác đào tạo của các hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Người làm việc tại nhà cần được bảo vệ tốt hơn
Theo khuyến nghị trong một báo cáo mới đây của ILO, những người làm việc tại nhà cần được bảo vệ tốt hơn bởi thực tế cho thấy những người làm việc tại nhà đang gặp nhiều khó khăn. Họ thường bị trả công thấp hơn so với những người ra ngoài làm việc, ngay cả với những công việc đòi hỏi kỹ năng cao. Thu nhập trung bình của người làm việc tại nhà ở Anh thấp hơn những người làm việc ở ngoài 13%, ở Mỹ thấp hơn 22%, ở Nam Phi thấp hơn 25% và con số này ở Argentina, Ấn Độ và Mexico là khoảng 50%. Những người làm việc tại nhà cũng phải đối mặt nhiều nguy cơ về an toàn và sức khỏe hơn, ít có cơ hội được đào tạo hơn so với những người không làm việc tại nhà, điều này có thể ảnh hưởng đến triển vọng nghề nghiệp của họ.
Báo cáo về làm việc tại nhà của ILO cho thấy lao động làm việc tại nhà không được hưởng mức an sinh xã hội như những NLĐ khác. Họ cũng ít có khả năng gia nhập một tổ chức công đoàn nào đó hay là đối tượng điều chỉnh của bất cứ thỏa ước lao động tập thể nào. Báo cáo cho biết sự gia tăng số lượng lao động làm việc tại nhà có khả năng vẫn sẽ tiếp tục trong những năm tới và việc giải quyết những vấn đề mà lao động làm việc tại nhà và người sử dụng lao động của họ gặp phải sẽ trở thành vấn đề cấp thiết. Việc quản lý, điều tiết hình thức làm việc tại nhà và việc tuân thủ luật pháp hiện hành còn yếu kém vẫn là một thách thức. Trong nhiều trường hợp, NLĐ làm việc tại nhà được xếp vào nhóm làm việc độc lập, do đó họ không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật lao động.
"Mới chỉ có 10 quốc gia thành viên của ILO phê chuẩn Công ước số 177 về thúc đẩy đối xử bình đẳng giữa lao động làm việc tại nhà và các đối tượng làm công ăn lương khác. Còn rất ít quốc gia có chính sách toàn diện về hình thức làm việc tại nhà" - bà Janine Berg, chuyên gia kinh tế cao cấp của ILO, nói.
Cần sự công bằng
Báo cáo của ILO cũng đưa ra những khuyến nghị cụ thể nhằm giúp hình thức làm việc tại nhà được biết đến nhiều hơn và từ đó được bảo vệ tốt hơn. Đối với lao động làm việc tại nhà thuộc lĩnh vực công nghiệp, báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện giúp họ chuyển dịch sang khu vực kinh tế chính thức bằng cách mở rộng phạm vi bảo vệ của pháp luật, cải thiện công tác tuân thủ pháp luật, phổ cập việc giao kết hợp đồng bằng văn bản, tạo điều kiện tiếp cận an sinh xã hội và giúp NLĐ làm việc tại nhà hiểu được các quyền mà họ được hưởng.
Đối với lao động làm việc tại nhà trên nền tảng kỹ thuật số, đây là đối tượng mà công việc của họ đặt ra những thách thức quan trọng về tuân thủ pháp luật do công việc có thể vượt ra phạm vi của một quốc gia. Báo cáo khuyến nghị sử dụng dữ liệu do công việc của họ tạo ra để giám sát điều kiện làm việc và các công cụ để định ra mức lương công bằng. Đối với lao động làm việc từ xa, báo cáo kêu gọi những nhà hoạch định chính sách triển khai các hành động cụ thể nhằm giảm thiểu những nguy cơ về tâm lý và ban hành "quyền được ngắt kết nối" nhằm bảo đảm tôn trọng ranh giới giữa đời sống công việc và đời sống cá nhân. Bà Phạm Lan Khanh, sáng lập và điều hành FreelanceViet - một công ty chuyên cung cấp và kết nối việc làm cho người làm việc tự do, cho rằng việc bảo vệ người làm việc tự do hay tại nhà đang rất bức thiết bởi đội ngũ nhân lực này ngày một tăng nhanh.
"Với sự phát triển về việc làm và công nghệ hiện đại cùng xu hướng làm việc tự do của giới trẻ, việc làm tại nhà đang dần trở nên phổ biến hơn bao giờ hết và họ cũng là lực lượng lao động đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Vì thế, họ phải được bảo vệ bằng pháp luật và được hưởng đầy đủ những quyền lợi như những NLĐ bình thường khác. Đó mới là công bằng trong lao động, việc làm cho thời kỳ mới" - bà Khanh nói thêm.
Bình luận (0)