Đó là một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm tại buổi tiếp xúc giữa đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM và LĐLĐ TP HCM với các cử tri là công nhân, đại diện các doanh nghiệp diễn ra mới đây.
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM) nêu theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu được giảm từ 20 năm xuống 15 năm. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu . Như vậy, những trường hợp này trước đây không được hưởng lương hưu, nay sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng, định kỳ mức lương hưu sẽ được Nhà nước điều chỉnh và đồng thời trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ BHXH mua bảo hiểm y tế.
Người lao động lớn tuổi cần được bảo đảm về việc làm
Việc sửa góp phần hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH của Nghị quyết số 28-NQ/TW, để ngày càng có thêm nhiều người hơn được hưởng lương hưu, đồng thời cũng khuyến khích người lao động bảo lưu, tiếp tục tham gia đóng góp BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì nhận BHXH một lần.
Tuy nhiên, trên thực tế, người lao động làm việc tại doanh nghiệp ngoài nhà nước đang chiếm phần đông và đa số là lao động trực tiếp sản xuất, tới độ tuổi 45-47 thì nhiều doanh nghiệp đã muốn cho họ nghỉ việc để tuyển lao động trẻ, vừa trả lương thấp hơn vừa làm việc có năng suất hơn và nhiều cái lợi khác. "Nhưng hiện có bao nhiêu doanh nghiệp trong thông tin tuyển dụng nới rộng độ tuổi tuyển dụng đến ngoài 45 tuổi? Nếu lực lượng này bị mất việc thì ai sẽ thuê họ làm việc để đóng tiếp BHXH cho tới tuổi hưu? Bộ Luật Lao động 2019 đã điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, nay dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lại giảm thời gian đóng tối thiểu để hưởng lương hưu làm người lao động cảm nhận sức ép kép nên họ tìm mọi cách rút BHXH 1 lần. Vì vậy, để đạt được mục tiêu tốt đẹp ban đầu, tôi cho rằng cùng với việc điều chỉnh chính sách phù hợp thì công tác tuyên truyền và các biện pháp bảo đảm việc làm phải được thực hiện đồng bộ"-ông Hồng nói.
Mất việc khi đã ngoài 40 tuổi, công nhân rất khó tìm việc
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phát, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nikkiso (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) cũng kiến nghị cơ quan thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn doanh nghiệp cho người lao động lớn tuổi, sức khỏe yếu nghỉ việc. Có như vậy họ mới an tâm tham gia BHXH đến lúc về hưu. Bà cũng gửi gắm nguyện vọng của NLĐ lớn tuổi đến đại biểu quốc hội. Đó là đối với những trường hợp đóng BHXH đủ 30 năm với nữ và 35 năm với nam mà chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng nếu doanh nghiệp phá sản, không đơn hàng hoặc không làm ở Việt Nam, chuyển nhà máy sang quốc gia khác thì xem xét để họ được nghỉ hưu sớm vì ở độ tuổi của họ gần như không có doanh nghiệp nào tuyển dụng để tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc.
Ông Trần Long Thuận, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hansae Việt Nam cho biết hiện nhiều ngành nghề mà người lao động sau 45 tuổi đã không đủ sức đảm đương, buộc phải xin nghỉ dẫn đến tình trạng người lao động còn trong độ tuổi lao động nhưng không có việc làm cũng không ai tuyển dụng họ. Ông Thuận nói: "Như vậy có phải chúng ta đang phí lực lượng lao động? Có thể thấy ở một đất nước có dân số già như Nhật Bản, người lao động lớn tuổi luôn được tạo điều kiện để làm việc. Chúng ta có thể học tập các điểm hay từ họ, tôi hy vọng, sắp tới nhà nước cũng sẽ có các chính sách để tạo điều kiện và bảo đảm về việc làm cho người lao động khi họ đã có quá trình tham gia thị trường lao động và đóng BHXH lâu dài"
Bình luận (0)