Việt Nam đang tăng trưởng về kỹ thuật số năng động, yếu tố này tác động tích cực đến thị trường nhân lực ngành công nghệ thông tin (IT) trong những năm qua. Theo báo cáo mới đây của TopDev, dù các trường đại học có sức đào tạo mạnh, mức lương thị trường cạnh tranh, doanh nghiệp (DN) trải thảm đỏ mời gọi nhưng việc tuyển dụng nhân sự IT vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Lương cao chưa chắc giữ được người
Theo khảo sát trên một số chuyên trang tuyển dụng IT, mức lương các nhà tuyển dụng sẵn sàng trả cho lập trình viên có kinh nghiệm hơn 30 triệu đồng/tháng. Với các cấp quản lý, con số này không thấp hơn 35 triệu đồng cho những nhân sự có kinh nghiệm trên 5 năm. Đáng chú ý, có nhiều vị trí đòi hỏi cao hơn về năng lực, trình độ và kinh nghiệm với mức lương từ 50 - 80 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng đều cho biết những vị trí này rất khó tìm nhân sự tại Việt Nam.
Doanh nghiệp nào cũng cần nhân sự công nghệ để hoạt động hiệu quả hơn
TS Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc Bộ phận Tư vấn thương vụ của KPMG Việt Nam, cho biết năm 2022, khoảng 30% nhân sự của KPMG Việt Nam nghỉ việc vì được mời về các DN gọi xe, thương mại điện tử, công nghệ tài chính… Ngược lại, KPMG Việt Nam cũng thu hút nhân tài từ nơi khác về. "Khi chưa tìm được người mới, nhân sự ở lại công ty làm việc gần như không ngơi nghỉ. Điều này khiến chúng tôi phải chạy đua trong cuộc cạnh tranh này" - ông Ái nói.
Khẳng định giữ chân nhân sự thực sự làm đau đầu nhiều DN, ông Ái cho rằng với những người giỏi, lương cao chưa chắc đủ giữ họ. Xu hướng hiện nay của nhân tài là đề cao môi trường công việc và có nhiều dự án thú vị, chứ không hẳn chỉ là lương. Do đó, lợi thế của cuộc cạnh tranh này nằm ở những DN có nhiều dự án hấp dẫn, nơi nhân tài tìm thấy được khả năng đóng góp của họ nhiều hơn.
Gặp nhiều khó khăn khi tuyển nhân sự IT, ông Huỳnh Quốc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển và Ứng dụng công nghệ Bách Khoa (quận Tân Phú, TP HCM), khẳng định DN sẵn sàng trả lương cao nhưng vẫn chưa tìm được nhân sự IT đáp ứng yêu cầu. Từ hơn 2 năm nay, mỗi quý công ty của ông Thắng luôn tuyển từ 10 - 20 nhân sự IT để thực hiện các dự án chuyển đổi số trong ngành giáo dục nhưng chưa bao giờ tuyển đủ. "Nhiều người với CV (hồ sơ ứng tuyển) đẹp, họ tự tin đòi hỏi cao về điều kiện làm việc và thu nhập khi ứng tuyển. Công ty đáp ứng hết nhưng rất ít người vượt qua tháng thử việc đầu tiên. Họ thiếu kỹ năng làm việc, tư duy còn chậm so với những tiến bộ của công nghệ" - ông Thắng đánh giá.
Xây dựng thương hiệu tuyển dụng mạnh
Nhiều chuyên gia cho rằng nhân lực IT cạnh tranh khốc liệt một phần đến từ quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp tại Việt Nam. Nhiều DN trước đây chưa có phòng công nghệ thì nay đã có để giúp DN kiểm soát và sử dụng tối ưu các ứng dụng liên quan đến công nghệ.
Theo khảo sát của FPT Digital, những DN có khối nhân sự IT trưởng thành sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận cao hơn từ 12% đến 20% so với khối DN có nhân sự công nghệ chưa hoàn thiện. Hàng loạt DN nước ngoài vào Việt Nam đầu tư đa phần mạnh về công nghệ và tài chính cũng thu hút nhiều nhân sự IT chất lượng cao. "Tôi vừa dự một hội thảo về nhân lực IT với sự tham gia của nhiều DN lớn đến từ nước ngoài. Họ tiết lộ sẽ trả lương gấp 2 - 3 lần nếu nhân sự IT giỏi, có kinh nghiệm triển khai các dự án trong thời gian tới tại Việt Nam. Đó là tín hiệu của "sóng ngầm" cạnh tranh nhân lực IT sắp diễn ra" - ông Huỳnh Quốc Thắng nói.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng Phòng Tuyển dụng nhân sự cấp cao và Tư vấn nhân sự của ManpowerGroup Việt Nam, cho biết hiện có làn sóng cắt giảm lao động ở nhiều DN, nhưng có đến 80% gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân sự có kỹ năng liên quan đến kỹ năng số, trí tuệ nhân tạo. "Nhân sự có kỹ năng chuyên môn về IT và dữ liệu đang khó tìm kiếm trong thị trường tuyển dụng. Nhu cầu về nhân lực IT rất cao, trong khi năng lực đào tạo trong nước mới đáp ứng được 1/3, chỉ có 35% sinh viên chuyên ngành IT đáp ứng được yêu cầu của DN, số còn lại phải đào tạo thêm" - bà Vân Anh cho hay.
Để đáp ứng nhu cầu của DN tuyển dụng đòi hỏi ngày một cao, nhân sự IT cần trang bị những kỹ năng mềm quan trọng, đó là tư duy phân tích và phản biện, tính sáng tạo, phân tích và giải quyết vấn đề, tính kỷ luật và sự tin tưởng, khả năng đề xuất ý tưởng. Nhằm trụ vững trong "cuộc chiến" nhân sự IT trong bối cảnh hiện nay, bà Vân Anh cho rằng các DN cần chú trọng xây dựng thương hiệu tuyển dụng mạnh, đó sẽ là yếu tố cốt lõi trong tuyển dụng, thu hút và giữ chân nhân tài. Thực tế cho thấy nhiều DN nước ngoài khi đến Việt Nam đã hút được nhiều nhân sự giỏi bởi cách xây dựng thương hiệu tuyển dụng.
Bình luận (0)